Những điều cần biết về ung thư vòm họng
(Dân trí) - Ung thư vòm họng là một loại ung thư vùng đầu cổ xuất phát từ vòm họng (còn gọi là họng mũi hay tỵ hầu), nằm phía trên cùng của họng, phía sau mũi và gần nền sọ.
Chẩn đoán ung thư vòm họng bằng cách nào?
Ung thư vòm họng có thể không được phát hiện ra cho tới khi gây ra vấn đề sức khỏe khiến người bệnh phải đi khám. Đôi khi những thay đổi bất thường có thể được phát hiện một cách tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám răng miệng. Khi đó bạn có thể được giới thiệu đến khám bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng hoặc bác sĩ phẫu thuật vùng đầu-cổ.
Bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi về tình trạng sức khỏe của bạn và khám lâm sàng. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để kiểm tra. Các xét nghiệm, đánh giá có thể bao gồm:
Khám tổng quát vùng đầu-cổ
Bác sĩ sẽ kiểm tra một cách toàn diện vùng đầu cổ để phát hiện những vị trí có bất thường. Hạch to bất thường vùng cổ là dấu hiệu quan trọng của ung thư cần được kiểm tra. Vòm họng là một vùng khó kiểm tra vì nằm ở sâu, do vậy bác sĩ sẽ cần sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gương, đèn và/hoặc một ống soi đặc biệt có gắn đèn để quan sát.
Sinh thiết
Bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ ở vị trí nghi ngờ là ung thư. Mẫu mô này sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để khẳng định một người có bị ung thư hay không.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
Đây là phương pháp sử dụng một loại tia X đặc biệt để dựng lại hình ảnh nhằm phát hiện xem khối u đã di căn hạch, phổi và/hoặc các cơ quan khác chưa
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng là phương pháp hữu ích để đánh giá kích thước khối ung thư và phát hiện những khối u khác.
Chụp X-quang ngực
Phương pháp này có thể được thực hiện nhằm kiểm tra xem ung thư có di căn tới phổi không.
PET-CT
Khi chụp PET-CT bạn sẽ được yêu cầu sử dụng một loại đường đặc biệt mà mức độ chuyển hóa bên trong cơ thể có thể được quan sát bằng một thiết bị đặc biệt. Tại những vị trí có ung thư, đường này sẽ chuyển hóa mạnh và hiển thị lên như một "điểm nóng". Xét nghiệm này thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ bệnh ung thư có thể đã di căn nhưng chưa tìm được vị trí.
Xét nghiệm máu
Một số xét nghiệm máu cơ bản giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn
Đánh giá giai đoạn
Việc chẩn đoán giai đoạn là cơ sở để bác sĩ quyết định phương pháp điều trị tối ưu nhất đối với bạn.Giai đoạn mô tả mức độ phát triển hoặc lan rộng của ung thư từ vị trí nguyên phát ban đầu. Nó cũng cho biết liệu bệnh ung thư đã lan tới cơ quan nào khác ở gần hay xa hơn. Bệnh ung thư của bạn có thể ở giai đoạn 0,1,2,3,4. Con số càng thấp, ung thư càng ít có khả năng di căn. Ở số cao hơn, như giai đoạn 4, nghĩa là ung thư đã trở nên trầm trọng hơn vì nó đã từ vị trí ban đầu lan tới cơ quan khác.
Điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư vòm họng. Việc lựa chọn phương pháp tối ưu nhất đối với bạn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
Vị trí của khối u (ung thư)
Giai đoạn ung thư
Bệnh có khả năng chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị hiện tại hay giúp kéo dài cuộc sống, giảm nhẹ triệu chứng?
Việc điều trị sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cách bạn nói chuyện, hít thở và ăn uống.
Tuổi
Những vấn đề sức khỏe khác mà bạn đang gặp phải
Cảm nhận của bạn về các phương pháp điều trị và những tác dụng phụ đi kèm với nó
Điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị?
Trong nhiều năm sau khi điều trị kết thúc, bạn vẫn sẽ gặp bác sĩ điều trị ung thư của mình qua các lần tái khám. Hãy chắc chắn bạn sẽ đi tái khám đầy đủ. Thời gian đầu, bạn sẽ cần tái khám vài tháng một lần. Sau đó, thời gian giữa các lần tái khám sẽ dài hơn. Việc khám bệnh, xét nghiệm máu, hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (như chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính) có thể được thực hiện để đánh giá ung thư tái phát hoặc tác dụng phụ của điều trị. Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn những xét nghiệm nào cần thực hiện và thực hiện sau bao lâu dựa trên giai đoạn bệnh ban đầu và phương pháp điều trị đã thực hiện trước đó.