Những điều cần biết về u lympho ác tính không Hodgkin

Hà An

(Dân trí) - U lympho ác tính không Hodgkin là nhóm bệnh ác tính của mô lympho, có thể biểu hiện tại hạch hoặc ngoài hạch.

U lympho ác tính không Hodgkin là gì?

Bệnh u lympho ác tính hay còn gọi là bệnh ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đây là một bệnh máu ác tính có khả năng điều trị hiệu quả, tỷ lệ lui bệnh và kéo dài thời gian sống cao nếu người bệnh tuân thủ điều trị.

Bệnh u lympho là nhóm bệnh ác tính của tổ chức lympho, bao gồm 2 nhóm:

- U lympho Hodgkin (chiếm khoảng 20-30%).

- U lympho không Hodgkin (70-80%).

Về cơ bản, u lympho ác tính không Hodgkin được chia thành 2 nhóm: tế bào B và tế bào T. Mỗi nhóm lại bao gồm nhiều thể bệnh khác nhau.  

Những điều cần biết về u lympho ác tính không Hodgkin - 1

Ảnh: Aidsmap.

Triệu chứng u lympho ác tính không Hodgkin

- Có đến 60% người bệnh có hạch to, và không đau. Hạch thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn, có thể gặp hạch trung thất, hạch ổ bụng.

- Tổn thương ngoài hạch tiên phát chiếm khoảng 40% nghĩa là u xuất hiện đầu tiên, ở ngoài các hạch lympho, như dạ dày, amidan, hốc mắt, da…

- Lách thường to độ I/II, tuy nhiên, trong u lympho thể lách hoặc giai đoạn muộn của bệnh, lách có thể to độ III/IV.

- Gan to ít gặp hơn và thường kèm theo hạch to và/hoặc lách to.

- Khoảng < 25% trường hợp có triệu chứng "B" còn gọi là tam chứng B gồm: sốt, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.

- Có thể thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.

- Giai đoạn muộn, thường có biểu hiện chèn ép, xâm lấn của mô lympho. Ví dụ như: Hội chứng trung thất, liệt do chèn ép tủy sống, lồi mắt, tắc ruột nếu u ống tiêu hóa…

Các yếu tố nguy cơ của u lympho ác tính không Hodgkin

Các nhà khoa học chỉ đưa ra một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh u lympho ác tính không Hodgkin như: tổn thương gen, yếu tố nhiễm khuẩn (HIV, EBV, HTLV-1, HHV8…), yếu tố miễn dịch (suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải HIV/AIDS, sau ghép tạng…), bệnh lý tự miễn, môi trường (thuốc trừ sâu, dioxin, phóng xạ…).

Theo Healthline, nhiều người bị u lympho ác tính không Hodgkin không có yếu tố nguy cơ rõ ràng. Cũng có thể có nhiều yếu tố nguy cơ và không bao giờ phát triển thành bệnh. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ u lympho ác tính không Hodgkin bao gồm:

Những điều cần biết về u lympho ác tính không Hodgkin - 2

Ảnh: Onco.

- Lớn tuổi hơn, vì hầu hết mọi người đều từ 60 tuổi trở lên khi được chẩn đoán.

- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.

- Nhiễm trùng, đặc biệt là với HIV, virus Epstein-Barr hoặc Helicobacter pylori.

- Tiếp xúc với một số hóa chất, chẳng hạn như chất diệt cỏ và côn trùng.

Các phương pháp điều trị u lympho ác tính không Hodgkin?

Điều trị bệnh tùy thuộc vào tuổi, loại u lympho ác tính không Hodgkin bạn mắc phải và giai đoạn bệnh bạn mắc phải.

Điều trị ngay lập tức không phải lúc nào cũng cần thiết. Bác sĩ của bạn có thể chỉ theo dõi bệnh đang phát triển chậm và không gây ra các triệu chứng. Điều trị có thể đợi cho đến khi bệnh tiến triển.

Hóa trị có thể được thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm. Nó tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng một mình hoặc với các phương pháp điều trị khác.

Xạ trị liên quan đến việc sử dụng các chùm năng lượng công suất cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và loại bỏ các khối u. Xạ trị có thể được sử dụng một mình hoặc với các phương pháp điều trị khác.

Việc cấy ghép tế bào gốc cho phép bác sĩ của bạn sử dụng liều cao hơn của hóa trị liệu. Phương pháp điều trị này tiêu diệt tế bào gốc cũng như tế bào ung thư. Sau đó, bác sĩ sử dụng phương pháp cấy ghép để trả lại các tế bào khỏe mạnh cho cơ thể. Bác sĩ có thể cấy ghép tế bào của chính bạn hoặc họ có thể sử dụng tế bào của người hiến tặng. 

Thuốc có thể được sử dụng để tăng cường hệ thống miễn dịch. Chúng cũng có thể được sử dụng để cung cấp các đồng vị phóng xạ liên kết với các tế bào ung thư.