Những điều cần biết về bệnh do vi khuẩn phế cầu

Bạn có biết vi khuẩn phế cầu (VKPC) là gì không? Nếu chưa, hãy theo dõi các bài viết trong chuyên đề ‘Bệnh do VKPC’ để hiểu rõ và bảo vệ con bạn khỏi loại vi khuẩn nguy hiểm này.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng nửa triệu trẻ nhỏ tử vong do VKPC (1).


Mỗi năm trên thế giới có khoảng nửa triệu trẻ nhỏ tử vong do VKPC

Mỗi năm trên thế giới có khoảng nửa triệu trẻ nhỏ tử vong do VKPC

VKPC là gì?

VKPC (Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn cư trú vùng mũi họng ở hầu hết người bình thường, kể cả người khỏe mạnh. Nhưng những người có hệ miễn dịch kém như là người cao tuổi và trẻ nhỏ hay người bị suy giảm hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh mạn tính, nghiện rượu, thuốc lá... có thể mắc bệnh do phế cầu.

VKPC phát triển thuận lợi vào mùa đông-xuân, có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp từ nước bọt trong lúc tiếp xúc với người mang mầm bệnh khi ho, hắt hơi.

VKPC là nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu đe dọa tính mạng.
Phế cầu khuẩn gây ra những bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh: viêm màng não, nhiễm trùng huyết và viêm phổi.

Theo thống kê của thế giới, viêm màng não phế cầu trẻ dưới 2 tuổi là 37/100.000 trẻ (2). Bệnh do phế cầu nhập viện ở nhũ nhi dưới 1 tuổi là 193,4/100.000 trẻ (2), cao hơn gấp 4 lần so với trẻ dưới 5 tuổi.

VKPC khi tấn công vào não trẻ, gây bệnh viêm màng não với tỷ lệ tử vong cao vào khoảng 30% trên toàn cầu (3) và các trường hợp chữa lành vẫn để lại di chứng nặng nề kéo dài, như tổn thương não hoặc giảm thính giác (4).

Ngoài vi-rút và các vi khuẩn khác, phế cầu khuẩn cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh viêm phổi. Tỷ lệ tử vong của trẻ em mắc bệnh viêm phổi ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới đều được xếp vào hàng cao nhất. Trong năm 2007, có khoảng 9 triệu trẻ em tử vong, trong đó có 20%, tức 1,8 triệu trẻ chết do viêm phổi (5).

Còn tại Việt Nam, có tới 2,9 triệu ca viêm phổi hàng năm, nằm trong top 15 nước có số ca viêm phổi mắc mới cao nhất (6).

Những điều cần biết về bệnh do vi khuẩn phế cầu

Lên kế hoạch bảo vệ trẻ đúng cách

Kháng sinh, phổ biến có penicillin là biện pháp thường được sử dụng để đối phó với VKPC.

Tuy nhiên phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Phụ huynh cần chăm sóc, tăng đề kháng cho bé để tạo miễn dịch tốt, nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh vùng tai mũi họng, giữ ấm kỹ cho bé trong mùa đông.

Ngoài ra, tiêm ngừa vắc-xin phế cầu là một lựa chọn. Bởi trên thế giới, có hơn 53 quốc gia đã áp dụng vắc-xin phế cầu trong chương trình tiêm chủng quốc gia, 49 triệu trẻ em đã được tiêm chủng từ năm 2009 đến năm 2014 cho kết quả khả quan.

Tư vấn bác sĩ về chủng ngừa và truy cập website www.tiemngua.com để biết thêm thông tin và các phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra.

Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại TP HCM.

Vĩ Văn

(1) Pneumococcal vaccines, WHO position paper; 14/2012, 87, 129–144 http://www.who.int/wer

(2) Dang Duc Anh et al, Clinical Infectious Diseases 2009;48(Supp2):S57-S64

(3) http://vienyhocungdung.vn/tiem-chung/vac- xin-phong- ngua-phe- cau-khuan- va-nhung- dieu-can-

biet-20160128215649657.htm

(4) http://www.cdc.gov/pneumococcal/about/symptoms-complications.html

(5) http://www.unicef.org/media/files/GAPP3_web.pdf

(6) Bulletin of the World Health Organization; May 2008, 86 (5)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm