Những dấu hiệu và triệu chứng của thiếu vitamin B12
(Dân trí) - Vitamin B12 là một vitamin tan trong nước, đóng vai trò thiết yếu với cơ thể, như hình thành tế bào hồng cầu và chức năng thần kinh. Vitamin B12 có trong các loại thực phẩm như thịt bò, cá và trứng.
Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng của nó, vẫn có nhiều người bị thiếu vitamin này.
Thiếu B12 có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, táo bón và thậm chí có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn nếu không được điều trị. Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng giúp nhận biết thiếu hụt B12, nguyên nhân và điều trị.
Các triệu chứng của thiếu vitamin B12
Các triệu chứng của thiếu B12 có thể phát triển dần dần hoặc đột ngột xuất hiện. Các triệu chứng cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thiếu vitamin.
Các dấu hiệu của thiếu B12 nhẹ bao gồm:
• Da ánh vàng
• Bồn chồn
• Mệt mỏi
• Nhiệt miệng
• Đau và sưng lưỡi
• Khó giữ thăng bằng
• Táo bón
• Chán ăn
• Tê bì và cảm giác kiến bò ở bàn tay và bàn chân
• Lú lẫn và trí nhớ kém
Thiếu B12 càng lâu không được điều trị thì các triệu chứng càng nghiêm trọng và có khả năng không thể hồi phục được.
Các dấu hiệu của thiếu B12 nghiêm trọng bao gồm:
• Liệt
• Các biến chứng thần kinh, như dáng đi không vững hoặc đi lại khó khăn
• Trầm cảm
• Sa sút trí tuệ
Quan trọng: Nếu được phát hiện và điều trị sớm, nhiều triệu chứng của thiếu B12 có thể được đẩy lùi, nhưng nếu không được điều trị, tổn thương thần kinh dẫn đến sa sút trí tuệ hoặc khó đi lại là không thể phục hồi.
Các nguyên nhân gây thiếu B12
Nguyên nhân của thiếu vitamin B12 bao gồm:
• Thiếu vitamin B12 trong chế độ ăn
• Rối loạn tiêu hóa cản trở hấp thu vitamin B12, như bệnh Crohn hoặc bệnh tiêu chảy mỡ.
• Thiếu máu ác tính, một loại thiếu máu đặc biệt xảy ra khi cơ thể không thể hấp thụ đủ B12. Những người bị tình trạng này thiếu một loại protein được tạo ra trong dạ dày được gọi là yếu tố nội sinh, cần thiết để hấp thu vitamin B12.
Quan trọng: Thiếu máu ác tính hiếm gặp, xảy ra ở khoảng 0,1% dân số nói chung, tuy nhiên, nó chiếm 20% đến 50% nguyên nhân gây thiếu vitamin B12 ở người lớn.
Một số loại thuốc cũng có thể cản trở hấp thu B12 và gây ra thiếu hụt, bao gồm:
• Metformin, được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường loại 2.
• Chloramphenicol, một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng mắt và tai.
• Thuốc ức chế bơm proton, như Prilosec và Prevacid, được sử dụng để điều trị trào ngược axit.
• Thuốc đối kháng thụ thể H2, như Pepcid và Zantac.
Những đối tượng có nguy cơ thiếu B12 cao nhất
• Người lớn trên 60 tuổi vì niêm mạc dạ dày sản xuất ít axit dạ dày hơn khi chúng ta già đi, làm giảm khả năng hấp thụ B12.
• Những người bị rối loạn tiêu hóa, như bệnh Crohn hoặc bệnh tiêu chảy mỡ.
• Những người đã phẫu thuật đường tiêu hóa, như phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, có thể làm mất các tế bào tiết ra yếu tố nội sinh - một loại protein được tạo ra trong dạ dày cần thiết để hấp thụ vitamin B12.
• Người ăn chay và ăn thuần chay rất ít các sản phẩm động vật, là một trong những nguồn cung cấp B12 phổ biến nhất.
Chẩn đoán
Nếu nghi ngờ thiếu B12, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ B12 trong máu của bạn:
• Mức B12 huyết thanh bình thường là từ 300pg/mL đến 900pg/mL
• Từ 200 đến 300 được coi là giới hạn
• Mức dưới 200 được coi là thấp và phù hợp với tình trạng thiếu B12.
Điều trị thiếu vitamin B12
Điều trị thiếu B12 nói chung phụ thuộc vào việc sự thiếu hụt nghiêm trọng đến mức nào và nguyên nhân gây ra nó. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
• Tiêm B12: Liều lượng và tần suất tiêm có thể khác nhau, nhưng hướng dẫn chung là tiêm 3a lần một tuần trong 2 tuần, mặc dù một số người không thể hấp thụ đầy đủ vitamin B12 có thể cần phải tiêm định kỳ 1 - 3 tháng một lần. Điều quan trọng cần lưu ý là tiêm B12 có thể dẫn đến các tác dụng phụ như chóng mặt và đau đầu.
• Bổ sung B12 ở dạng viên uống hoặc viên ngậm dưới lưỡi có thể hòa tan dưới lưỡi là một lựa chọn điều trị không cần đơn cho những người thiếu B12 trong chế độ ăn, như người ăn chay hoặc ăn thuần chay.
• Tăng cường ăn các loại thực phẩm có B12, như:
Sữa chứa 1,2mcg mỗi cốc
Trứng chứa 0,6 mcg mỗi phần ăn
Cá hồi chứa 4,8 mcg/3 ounce (khoảng 85g)
Phô mai chứa 0,9 mcg/1 ounce (khoảng 28g)
Quan trọng: Lượng vitamin B12 được khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 2,4mcg. Vì B12 là một vitamin tan trong nước, nó thường được coi là an toàn ngay cả ở liều lượng cao hơn và không có giới hạn trần.
Cách nhanh nhất để tăng mức B12 là tiêm. Những người dùng vitamin B12 bổ sung hoặc tăng tiêu thụ thực phẩm chứa B12 sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện trong vòng 6 đến 12 tháng.
Kết luận
Thiếu vitamin B12 có thể do rối loạn tiêu hóa hoặc thiếu B12 trong chế độ ăn. Các dấu hiệu thiếu B12 bao gồm yếu, mệt mỏi và cảm giác kiến bò hoặc tê ở bàn tay và bàn chân. Các triệu chứng có thể hồi phục nếu được điều trị đầy đủ và sớm bằng cách tiêm B12 hoặc bổ sung chế độ ăn.