Những dấu hiệu chứng tỏ bạn cầu toàn!

(Dân trí) - Nếu bạn đã từng bật khóc vì đứng thứ 2 trong cuộc thi hay không đạt điểm tối đa, có khả năng bạn là người cầu toàn. Và chúng ta thường có xu hướng đánh giá cao những người cầu toàn và cho rằng họ là những người có mục tiêu lớn.

Và quả thực những người cầu toàn thường đạt được rất nhiều thứ - nhưng cái giá phải trả cho những thành công có thể là thường xuyên bất mãn và không thoải mái. Kể cả những người hơi cầu toàn (có thể họ không tự nhận thấy mình cầu toàn) cũng có thể đối mặt với những mặt trái của việc luôn muốn mọi việc phải hoàn hảo. Dưới đây là 14 dấu hiệu nhận biết rằng bạn đang bị sự cầu toàn chi phối và những cách đơn giản để thoát khỏi tình trạng này.

 
Luôn muốn làm người khác hài lòng

Luôn muốn làm người khác hài lòng

 

Tính cầu toàn thường được hình thành từ những giai đoạn đầu đời.  Từ bé, chúng ta đã thường được bố mẹ và thầy cô giáo dạy dỗ, khuyến khích vươn tới những đỉnh cao - nếu đạt được mục tiêu thì sẽ thưởng (trong một số trường hợp còn bị phạt nếu không đạt được). Vậy là chúng ta thường luôn nhắc mình phải đạt được mục tiêu bằng mọi giá và không gì có thể làm ta hạnh phúc hơn là làm hài lòng người khác (hoặc chính mình).

 

Tuy nhiên, chính việc luôn bị áp lực đứng thứ nhất trong học tập, công việc và cuộc sống có thể dẫn đến sự thất vọng và nghi ngờ chính bản thân mình. Theo nhà tâm lý học Monica Ramirez Basco, việc hướng tới sự hoàn hảo có mặt trái rất lớn là khiến người ta vừa cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất, nhưng cùng lúc lại gây cho họ nỗi sợ hãi về hậu quả nếu làm không được tốt. Đây chính là con dao hai lưỡi của sự cầu toàn.

 

Chấp nhận trả giá để thành công

 

Một người cầu toàn điển hình sẽ dùng mọi cách (kể cả cách không chính đáng) nhằm mục đích là không bị đánh giá là trung bình hoặc tầm thường, và trong đầu họ luôn nghĩ không có thành công nào thiếu đi sự hy sinh. 

 

Mặc dù người cầu toàn không nhất thiết phải là người thành đạt nhưng họ thường bị gắn với sự tham công tiếc việc. Theo nhà tâm lý học Burns, người cầu toàn nhận thức được những tiêu chuẩn chính mình tự đặt ra là khá cao và nhiều khi không chính đáng, nhưng họ tin rằng chính những tiêu chuẩn họ đặt ra này sẽ là nấc thang giúp họ đạt được sự hoàn hảo và hiệu quả mà không thể giành được bằng cách nào khác.
 
Nước đến chân mới nhảy

 

"Nước đến chân mới nhảy"

 

Nghịch lý của sự cầu toàn là mặc dù được coi như là động lực để thành công thì chính nó cũng có thể là ngăn chặn bạn đến với thành công. Sự cầu toàn và nỗi sợ thất bại liên quan chặt chẽ với nhau; chính nỗi sợ thất bại nhiều khi làm bạn trì hoãn.

 

Hay phát xét người khác

 

Thường xuyên phán xét người khác chính là cơ chế tâm lý tự bảo vệ mình: chúng ta thường phủ nhận ở người khác những điều chúng ta không chấp nhận ở chính mình. Đặc biệt đối với những người cầu toàn, họ có khuynh hướng phủ nhận nhiều thứ hơn.

 

Hãy bớt phán xét và nghiêm khắc với người khác hơn và bạn cũng sẽ thả lỏng được bản thân ra một chút. Vì thế nên Phật đã căn dặn “Hãy bỏ qua khuyết điểm và tội lỗi của người khác và hãy chỉ để tâm đến những việc mình đã và chưa làm được”.
 
Tâm lý Được ăn cả ngã về không


 

Tâm lý "Được ăn cả ngã về không"

 

Rất nhiều người cầu toàn thường bị tâm lý trắng-đen chi phối và thường hay trải qua trạng thái cực độ. Nếu bạn có xu hướng cầu toàn, khả năng lớn là bạn sẽ dành trọn tâm huyết của mình vào một dự án mới mà bạn tin vào khả năng thành công, và ngược lại, bạn sẽ tránh luôn những thứ bạn cho rằng có ít khả năng thành công. Các nghiên cứu cũng đã khẳng định những người cầu toàn thường né tránh những thứ có dính dáng tới rủi ro, và chính điều này sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo và đột phá của họ.

 

Đối với những người cầu toàn, cuộc sống luôn chỉ có hai màu trắng và đen. Khi người cầu toàn đã đăt ra mục tiêu để chinh phục, không gì có thể dừng và ngăn chặn được họ.

 

Khó chia sẻ với người khác

 

Nhà văn Brene Brown gọi sự cầu toàn là “20 tấn gánh nặng” mà chúng ta luôn mang theo mình như một tấm chắn để tránh bị tổn thương. Tuy nhiên, trên thực tế sự cầu toàn chính là rào cản khiến chúng ta khó kết nối với mọi người.

 

Theo nhà tâm lý học Shauna Springer, vì nỗi sợ mãnh liệt bị thất bại hay từ chối, người cầu toàn thường khó chia sẻ và rất dễ bị tổn thương, kể cả đối với người bạn đời. Những người này thường bắt mình phải luôn mạnh mẽ và kiểm soát cảm xúc của mình, vì vậy có thể họ sẽ hiếm khi kể về những nỗi sợ hãi, lo lắng và sự thất vọng về người khác, kể cả đối với những người thân nhất.

 
Bứt dứt dai dẳng về những sơ suất nhỏ nhặt

 

Những người cầu toàn thường bị những sơ suất nhỏ nhặt ví dụ như trót nướng bánh cháy hoặc đến cuộc họp muộn 5 phút ám ảnh. Những sơ suất nhỏ này tích lại nhiều có khả năng trở thành những vấn đề lớn sau này. Khi bạn chỉ luôn chăm chăm tìm và tập trung vào những thất bại và bạn luôn cố gắng né tránh chúng bằng mọi giá, thì chỉ một sơ suất nhỏ nhặt cũng sẽ là một thảm hoạ lớn với bạn.

 

Theo Springer, người cầu toàn thường bị những thất bại làm ảnh hưởng đến nhiều hơn do họ thiếu sự tôn trọng với chính bản thân mình; về lâu dài, một số người sẽ bị tính cách này gây ra sự trầm cảm và buông xuôi.
 
Luôn nhớ những năm tháng trên giảng đường

 

Luôn nhớ những năm tháng trên giảng đường

 

Một số người không muốn nhớ lại những năm tháng đi học, nhưng người cầu toàn thì khác.  Lý do là vì thời đó, sự thành công có thể cân đo đong đếm được một cách rõ ràng. Bạn làm bài tập, thầy cố chấm điểm và dành những lời khen ngợi cho bạn. Có thể hồi đó bạn là học trò cưng của một ai hoặc thậm chí được bầu là “Người có tương lai rạng ngời nhất”. Cách thức trong trường học và công thức đơn giản “chăm chỉ, học tốt và được thưởng” là một trong những nguồn động viên lớn lao đối với đa số người cầu toàn.

 

Tuy nhiên khi bước ra thế giới bên ngoài, sự thành công lại được đánh giá và xây dưng theo kiểu khác. Và mặc dù không nói ra, nhưng đâu đó trong suy nghĩ của bạn, bạn vẫn luôn nhớ tới một thế giới, nơi bạn được chấm cho điểm 10 cho những nỗ lực của mình và sẽ sung sướng cả ngày hôm đó.

 

Bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những lời nói xung quanh

 

Do người cầu toàn thường hay bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những lời nói xung quanh, nên họ thường chán nản rất nhanh. Thay vì đứng dậy sau những vấp ngã, những người này thường bị ảnh hưởng nặng nề và luôn coi những sự “thành công bị trì hoãn” sau này như là một minh chứng cho nỗi sợ hãi sâu thẳm trong họ là: “Mình không đủ giỏi”.

 

Luôn phòng thủ khi bị góp ý

 

Qua cách nói chuyện, chúng ta cũng có thể nhận biết được người cầu toàn, vì khi cảm thấy sắp bị góp ý hay phê bình, họ sẽ dùng lời nói bảo vệ mình luôn. Nhằm mục đích bảo vệ hình ảnh tưởng như hoàn hảo của mình trong mắt người khác, người cầu toàn sẽ ngay lập tức nhảy vào biện minh cho mình khỏi những lời góp ý, kể cả khi không cần thiết phải làm như vậy.

 

Hình ảnh dưới đây làm bạn khiếp sợ

 
Bị đánh giá ở mức Trung bình luôn là ác mộng với người cầu toàn
Bị đánh giá ở mức "Trung bình" luôn là ác mộng với người cầu toàn
Hả hê trước những thất bại của người khác

 

Người cầu toàn thường dành rất nhiều thời gian vào việc nghĩ ngợi và lo lắng về sự thất bại của chính mình, vì vậy họ thường thấy nhẹ nhõm, hả hê khi thấy người khác thất bại. Có thể việc tận hưởng thất bại của người khác sẽ khiến họ cảm thấy tốt hơn trong chốc lát, nhưng trong dài hạn, cảm giác này sẽ chỉ làm củng cố thêm sự phán xét và ganh đua, đố kỵ ở những người cầu toàn mà thôi.
 

Luôn cảm thấy tội lỗi

 

Ẩn sau mọi thứ nêu trên, những người cầu toàn thường luôn có cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Theo Brown thì sự cầu toàn không phải là việc luôn cố gắng hướng đến sự hoàn hảo mà chính là cách nghĩ  “Nếu tôi trông hoàn hảo, làm mọi việc một cách hoàn hảo và sống một cách hoàn hảo, tôi sẽ tránh được hoặc giảm thiểu được nguy cơ bị mất mặt, xấu hổ, khiển trách và bị đánh giá”.

 

Lời khuyên của Brown là hãy thành thật với chính bản thân mình. Hãy cho người khác cơ hội được nhìn thấy con người thật của bạn, con người có những điểm yếu và mạnh như bao người khác và hãy dũng cảm gạt đi tấm chắn của sự hoàn hảo để sống thoải mái hơn.

 
Không bao giờ cảm thấy thoả mãn

Có một một điều không thể chối cãi là sự hoàn hảo thật ra không tồn tại, chính vì vậy những người cầu toàn luôn có cảm giác họ chưa vươn tới đỉnh. Họ thường chỉ tập trung vào những thứ chưa làm được và luôn bị thôi thúc phải vượt qua chính mình.

Trà Mi

Theo HP