Những ca tai nạn “lột” da đầu hi hữu

(Dân trí) - Bị tai nạn, người bệnh bị lột da đầu, hở hộp sọ… và đã được bàn tay khéo léo, tài tình của các bác sĩ “khâu vá”, trở lại như bình thường. Tóc cũng đã có thể mọc trở lại trên nền sọ được vá lại đó.

Bệnh nhân H. (Thanh Hóa) mọc lại tóc sau 1 tuần nối da đầu

Bệnh nhân H. (Thanh Hóa) mọc lại tóc sau 1 tuần nối da đầu
Những tai nạn kinh hoàng
 
Cách đây 9 tháng, bệnh nhân T.N. H (38 tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến khoa cấp cứu, bệnh viện Việt Đức trong tình trạng da đầu bị lột, hở cả nửa hộp sọ, cùng với những mảng da đầu rời rạc. Bất cứ bệnh nhân nào nhìn thấy tình trạng của nạn nhân này đều bàng hoàng, sợ hãi bởi hộp sọ hở, rớm máu đỏ loét. Người bệnh đau đớn đến bất tỉnh…

Trước đó, trong lúc mài đế giày trên máy (chị H là công nhân một nhà máy giày ở Thanh Hóa), bệnh nhân đánh rơi đế giày xuống đất, theo phản xạ liền cúi người xuống nhặt. Vừa cúi xuống, chị H đã bị tóc quấn vào máy. Dù kịp gọi người đối diện tắt máy nhưng vì nhiều lý do, phải mất một lúc mọi người mới tắt máy được. Lúc này, toàn bộ mái tóc dài của chị cùng với nửa da đầu đã bị lột khỏi hộp sọ, xé thành nhiều mảng…và lúc này chị cũng bất tỉnh vì đau đớn.

Một trường hợp khác xảy ra với chị N.T.H (Phú Thọ) hơn một năm trước. Trong lúc đang lao động, mái tóc dài của chị cũng bị quấn vào dây truyền khai thác cát, kéo chị bổng lên cao. Đến lúc mái tóc và phần da đầu không chịu nổi sức nặng của cơ thể, bị lột toàn bộ da khỏi vùng xương sọ, chị H mới rơi xuống đất…

Cú rơi từ trên cao không chỉ khiến bệnh nhân H. bị lột toàn bộ phần da đầu khỏi xương sọ mà còn bị đa chấn thương. Được chuyển đến BV Việt Đức, bệnh nhân vừa được xử lý, cấp cứu đa chấn thương, vừa dẫn lưu màng phổi, vừa phải song song thực hiện kỹ thuật nối vi phẫu để nối ghép lại phần da đầu... 

Thành công cấy ghép da đầu

Tiếp nhận bệnh nhân hở nửa hộp sọ vì lột da đầu cùng với mảnh da đầu bị đứt rời bảo quản trong đá lạnh chuyển ra từ Thanh Hóa, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt (BV Việt Đức) quyết định phẫu thuật nối da đầu cho người bệnh.

Bác sĩ Đào Văn Giang, Khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngay khi bắt đầu ca mổ, các bác sĩ đã xác định đây là một ca khó bởi các mảnh da đầu bị giằng xé thành nhiều mảnh nhỏ, với mảnh lớn nhất có kích thước 6x12cm, còn lại khoảng 3x4, 4x5cm..., các tổ chức ở da có thể bị dập nát…

“Chúng tôi chỉ lọc được 3 mảnh da có thể ghép vì không tìm được các mạch máu ở các mảnh còn lại. Chúng tôi phải lấy một lớp mỏng của các mảnh da này (da đầu có 5 lớp) ghép cho phần còn thiếu da để che phủ xương sọ. Sau 11 tiếng phẫu thuật vi phẫu, ca phẫu thuật mới thành công. Xương sọ người bệnh được che phủ kín toàn bộ. Tuy nhiên, chỉ những vùng da được ghép tóc mới có thể mọc như bình thường, còn những vùng da mỏng chỉ có tác dụng che phủ xương sọ”, BS Giang cho biết.

Tương tự, với bệnh nhân ở Phú Thọ, sau khi được cấp cứu cứu sống người bệnh với những chấn thương nặng nề, bệnh nhân cũng được các bác sĩ nối da đầu.

Khác với ca bệnh trước, khó khăn là do vùng da đầu bị giằng xé, rách vụn nhiều mảnh, ca bệnh này, toàn bộ da đầu bị lột thành một mảng. Các bác sĩ đã quyết định vừa mổ cấp cứu người bệnh, vừa nối vi phẫu da đầu vì nếu đợi xử lý đa chấn thương thì vùng da đầu bị lột không có mạch máu nuôi dưỡng sẽ chết, không thể nối lại được. Hơn nữa, khi bị lột ra khỏi hộp sọ, mảng da đầu lại tiếp tục chạy tiếp trên băng truyền cát nên các mảng da không những bị dập nát mà còn dính nhiều dị vật, các bác sĩ phải tỷ mỉ cạo sạch tóc, rửa sạch dị vật… mới có thể ghép cho người bệnh. Sau gần 10 giờ, ca nối da đầu thành công.

Theo TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Việt Đức) cho biết, lột da đầu là một tai nạn hiếm gặp, hi hữu cả ở Việt Nam và thế giới. Tại BV Việt Đức đã thực hiện thành công nối da đầu cho khoảng 10 bệnh nhân và các bệnh nhân đều có tóc mọc trở lại.

TS Hà cho biết, nhiều người bệnh nghĩ những cơ thể đã đứt rời thì không thể nối lại được. Nhưng y học ngày nay phát triển, “đứt gì, nối đấy”. Tại BV Việt Đức đã từng nối thành công nhiều trường hợp đứt rời tay, da đầu, dương vật, bàn chân… nếu những phần cơ thể đứt rời này được bảo quản đúng cách. “Khi không may bị tai nạn, người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc (nếu có), sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín không để nước vào sau đó lại cho vào nilon đựng nước, sau đó mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Việc làm này tránh cho bộ phận đứt tiếp xúc trực tiếp với đã gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phần đứt rời. Nếu bệnh nhân được nối sau 6- 10 tiếng bị đứt rời các bộ phận, tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80%”, TS Hà nói.

Hồng Hải