Những bước chân vội và đôi bàn tay run giữa "điểm nóng" Covid-19
(Dân trí) - 1h chiều, chiếc xe cứu thương dừng trước cửa Trung tâm Y tế Thuận An (Bình Dương), trên xe là một bệnh nhân Covid-19 được chuyển lên từ khu cách ly vì có dấu hiệu khó thở.
Dưới sảnh, Lại Thị Thương, sinh viên ngành điều dưỡng, Đại học Y Hà Nội cùng kíp trực đã mang cáng cấp cứu và bình oxy chờ sẵn để kịp đưa bệnh nhân lên phòng điều trị nhanh nhất có thể.
2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân có triệu chứng nặng, phải hỗ trợ oxy được chuyển đến tăng lên đáng kể. Kết thúc ngày hôm đó, cũng đã không dưới 20 lần, xe cấp cứu dừng rồi lại đi trước sảnh viện.
Hành trang lớn nhất là sự quyết tâm và nhiệt huyết tuổi trẻ
Ngày 6/7, chiếc phi cơ Boeing 787 cất cánh từ Sân bay Nội Bài đưa 350 cán bộ, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội "nam tiến" để tham gia hỗ trợ chống dịch tại các điểm nóng.
"Chúng tôi được thông báo về chuyến đi trước đó 3 ngày, nhưng cũng không chuẩn bị gì nhiều ngoài mấy bộ áo quần và đồ dùng cá nhân. Hành trang lớn nhất mà chúng tôi mang theo có lẽ là nhiệt huyết tuổi trẻ và sự quyết tâm chiến thắng Covid-19", Thương kể.
Với cô và các đồng đội lúc này, cuộc chiến trước mắt vẫn còn là một thứ khá mơ hồ, bởi thông tin nắm được đa phần chỉ đến từ những dòng tin trên báo chí. Tuy nhiên, một điều mà họ biết chắc: Cuộc chiến sẽ không hề dễ dàng.
Khoảng 11h, máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cả đoàn không nghỉ mà tiếp tục di chuyển bằng ôtô tới Bình Dương thực hiện nhiệm vụ.
24/24h theo sát tình trạng F0
Khoa Nội Trung tâm Y tế Thuận An là nơi Thương và 5 sinh viên y khoa khác tham gia hỗ trợ công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19 tình trạng nhẹ và vừa. Thành phố Thuận An cũng được xem là một trong những điểm nóng nhất về dịch tại Bình Dương.
Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần và được tập huấn kỹ nhưng cô vẫn bị bất ngờ với những gì mình phải đối mặt trong "cuộc chiến" với giặc Covid-19 này.
"Lượng bệnh nhân tại đây luôn duy trì ở mức trên dưới 100 người. Trong những ngày đầu, khoa có khoảng 13-15 y bác sĩ địa phương và thêm 6 người chúng tôi thì khối lượng công việc đã khá lớn, về sau một số cán bộ phải sang hỗ trợ khu cách ly, nhân lực lại càng mỏng hơn", Thương chia sẻ.
Những ngày đầu làm quen với guồng quay công việc mới là một thử thách không hề nhỏ với nữ sinh viên này.
Mỗi ca trực kéo dài 24h đồng hồ từ 7h sáng hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Kíp trực sẽ vừa làm việc hành chính ở vòng ngoài, vừa vào vòng trong để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Đặc thù của các bệnh nhân Covid-19 là phải cách ly hoàn toàn, không có người thăm nuôi. Do đó, ngoài các nhiệm vụ chuyên môn, nhân viên y tế cũng trở thành "người nhà", hỗ trợ bệnh nhân cả các vấn đề về sinh hoạt. Điều này càng làm nhân lên khối lượng công việc vốn đã rất nặng. Sự khác biệt về thời tiết và ngôn ngữ cũng là những thử thách "không tên" trong nhiệm vụ lần này.
"Điều may mắn là trong thời gian đầu, các bệnh nhân chủ yếu là người trẻ, triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Cuộc chiến khó khăn nhất của chúng tôi vẫn còn ở phía sau", Thương chia sẻ.
Những đôi chân vội và nỗi sợ mang tên "Oxy"
Tin báo từ lực lượng vòng ngoài: "Bệnh nhân ở phòng … có dấu hiệu khó thở, cần hỗ trợ ngay". Chỉ sau chưa đầy 5 phút, dãy hành lang bên trong đã vang lên tiếng bước chân rất gấp của kíp trực vòng trong.
"Covid-19 diễn biến rất khó lường. Do đó, chúng tôi phải theo dõi sát sức khỏe của bệnh nhân để kịp thời nhận ra những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng và nhanh chóng có biện pháp điều trị cho bệnh nhân", Thương chia sẻ.
Sau khi đo chỉ số độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) và đánh giá lâm sàng, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân thở oxy. Tuy nhiên chưa triển khai xong hệ thống thở oxy cho bệnh nhân này, lại có một bệnh nhân khác ở cách đó vài phòng xuất hiện dấu hiệu khó thở. Ngay lập tức, kíp trực vòng ngoài nhanh chóng mặc đồ bảo hộ để vào vòng trong "chi viện".
Từ tuần thứ hai của cuộc chiến, lượng bệnh nhân cao tuổi và có triệu chứng nặng được chuyển đến Trung tâm Y tế Thuận An tăng lên đột biến, kéo theo đó là áp lực trong khu điều trị.
Theo lời kể của Thương, mỗi bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy mask ở mức tối đa có thể dùng hết một bình oxy dung tích 40 lít (cấp được khoảng 2.500 lít khí oxy) trong vòng hơn 3 tiếng. Trong khi đó, ở trung tâm đang có hơn 20 bệnh nhân nặng như vậy.
Cũng dễ hiểu khi chiến binh trẻ này tâm sự rằng, tiếng những chiếc bình oxy liên tục được rê trên hành lang để chuyển đến các phòng bệnh, không biết từ khi nào, trở thành âm thanh đáng sợ nhất đối với cô.
Kích hoạt "báo động đỏ"
Một ca trực khác, Thương và bạn học của mình đang hỗ trợ bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của một bệnh nhân nữ lớn tuổi, có tiền sử mổ tim thì bất ngờ chỉ số trên monitor chuyến biến xấu. Ngay lập tức tình trạng "báo động đỏ" được kích hoạt, huy động tối đa lực lượng y tế đến cấp cứu cho bệnh nhân.
"Đây là một trong những bệnh nhân nặng nhất mà chúng tôi đã tiếp nhận. Ngay từ khi nhập viện, chỉ số SpO2 của bác chỉ ở mức 47%. Sau khi thở oxy thì chỉ số này được nâng lên mức 70% nhưng đến chiều lại tụt dần", cô nói.
Sau một giờ đồng hồ Thương cùng hai nhân viên y tế khác thay nhau bóp bóng trợ thở cho bệnh nhân, xe cấp cứu cũng đã đến trước sảnh để đưa bà lên bệnh viện tuyến trên.
Lúc này, cả kíp trực mới thở phào, Thương ngồi sụp xuống gắng hít những hơi thật sâu để lấy lại sức, hai bàn tay cô lúc này cũng run lên vì mỏi. Khoảng lặng hiếm hoi này cũng chỉ kéo dài được mươi phút, khi tin báo có bệnh nhân trở nặng lại vang lên.
"Ca trực tiếp theo, tôi được báo lại rằng, bệnh nhân hôm nọ đã không qua khỏi, đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy bản thân bất lực đến vậy", giọng cô gái bỗng nghẹn lại.
Niềm vui "dễ lây" trên tuyến đầu chống dịch
Đã hơn một tháng trực chiến trên tuyến đầu chống dịch, Thương tự nhận rằng, áp lực công việc tại "điểm nóng" này, đã giúp cô trưởng thành hơn rất nhiều so với khi vừa tới.
Với nỗ lực không biết mệt mỏi của các blouse trắng, cũng đã có 2 đợt bệnh nhân Covid-19 tại nơi đây được điều trị khỏi và xuất viện.
"Có những bà mẹ F0 đã cả tháng trời không được gặp con nhỏ, hay những người già phải thở oxy nhiều ngày liền luôn mang nặng nỗi lo "lành ít dữ nhiều". Nếu không phải là người trong cuộc, rất khó có thể hiểu được niềm vui của các bệnh nhân khi được thông báo khỏi bệnh lớn đến nhường nào", Thương cười.
Nữ điều dưỡng tương lai tiếp lời: "Chính niềm vui này cũng lan tỏa sang lực lượng điều trị và trở thành nguồn động lực lớn để giữ vững ngọn lửa quyết tâm chiến thắng Covid-19 mà chúng tôi đã mang theo".