Những biểu hiện bà bầu không nên bỏ qua
(Dân trí) - Bạn có thể đọc rất nhiều các bài viết về quá trình mang thai hoặc trò chuyện với các bà mẹ khác nhưng vẫn rất khó để biết chính xác liệu những gì bạn cảm thấy trong suốt quá trình thai nghén là bình thường hay bất thường.
Dưới đây là một số triệu chứng mà bạn cần đặc biệt chú ý. Nếu gặp bất kỳ biểu hiện nào trong số các triệu chứng nào dưới đây thì cần tới bệnh viện ngay. Tránh dùng tất cả các loại thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nếu không chắc chắn lắm về bất kỳ biểu hiện nào, dù chỉ mơ hồ hay đơn giản là đột nhiên cảm thấy lo lắng, hãy tin vào linh cảm của mình và gọi ngay cho bác sĩ.
Nếu không có vấn đề gì thì bạn có thể an tâm trở về nhà. Đừng lo các bác sĩ sẽ trách cứ bạn về sự tưởng tượng hay lo lắng thái quá.
Cơ thể bạn đang thay đổi nhanh đến mức mà rất khó để biết một cách chính xác rằng liệu bạn có đang “bình thường” hay không.
Đau bụng trên hay đau giữa rốn
Những cơn đau dữ dội hoặc rõ ràng ở vùng bụng trên hay giữa bụng, có hay không có kèm triệu chứng nôn có thể là biểu hiện của chứng rối loạn tiêu hóa, do vi rút trong dạ dày hay chứng tiền sản giật – đây là một bệnh lý nghiêm trọng đòi hỏi được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Sốt
Nếu thân nhiệt của bạn trên 37o5 mà không có các biểu hiện cảm cúm hay cảm lạnh thì hãy thu xếp đi khám trong ngày.
Nếu thân nhiệt xấp xỉ 39ºC thì cần tới bệnh viện ngay. Có lẽ là bạn đang bị mắc một chứng viêm nhiễm nào đó. Bác sĩ có thể sẽ kê kháng sinh và đề nghị bạn nghỉ ngơi.
Nếu thân nhiệt cao hơn 39ºC thì mỗi giây phút kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thai nhi.
Rối loạn thị giác
Rối loạn thị giác bao gồm nhìn 1 thành 2, nhìn mờ, có chấm sáng hoặc chảy nước mắt thì rất có thể đó là dấu hiệu của tiền sản giật.
Sưng hay phù tay, mặt và mắt
Nếu biểu hiện sưng hay phù (phù nề) tay, mặt và mắt kèm thêm đau đầu hay có vấn đề về thị giác thì rất có thể bạn đang bị tiền sản giật.
Đau đầu dữ dội
Nếu đau đầu dữ dội và kéo dài hơn 2 – 3 giờ đồng hồ, kèm theo đó là rối loạn thị giác và phù tay, mắt và mặt thì hẳn huyết áp bạn đang tăng rất cao.
Lên cân nhanh dù không ăn nhiều
Lên cân liên tục từ 0,91kg trở lên mà không phải do ăn uống, kèm theo hoặc không bị phù nề tay và chân, đau đầu hay rối loạn thị giác thì đây cũng là một dấu hiệu của tiền sản giật.
Chảy máu âm đạo
Nếu lấm tấm vài giọt thì đó là dấu hiệu bình thường nhưng nếu chảy nhiều máu thì đó có thể là dấu hiệu sẩy thai, thai nằm không đúng vị trí hoặc nhau thai có vấn đề.
Chảy nhiều máu, đặc biệt khi kết hợp với đau lưng hay bụng thì có thể là khả năng sẩy thai đã diễn ra rồi.
Ở giai đoạn cuối thai kỳ thì đó là dấu hiệu của sinh non (nếu diễn ra trước 37 tuần) hay dây rốn bị canxi hóa.
Nước ối ít khi thai chưa được 37 tuần cũng có thể khiến màng ối bị vỡ sớm. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn nhập viện để theo dõi.
Sau 37 tuần thấy dấu hiệu ra máu thì bạn nên thu xếp tới bệnh viện để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ đang đến.
Đột ngột cảm thấy khát cùng với tiểu ít hoặc không đi tiểu
Đây là một dấu hiệu của tình trạng khử nước hay tiểu đường thai kỳ, nó khá nguy hiểm đối với sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Đau buốt khi đi tiểu
Đau buốt khi đi tiểu thường kèm theo thân nhiệt tăng, run rẩy và đau lưng. Đây là những biểu hiện của tình trạng viêm đường tiết niệu và cần được điều trị bằng kháng sinh.
Nôn vọt
Nôn vọt nhiều hơn 2 lần/ngày có thể sẽ khiến cơ thể mẹ suy yếu và bị khử nước mặc dù nó hoàn toàn không gây hại cho thai nhi.
Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn nôn nhiều hơn 2 - 3 lần/ngày trong 3 tháng đầu thai nghén, nôn ở giai đoạn sau 3 tháng hoặc nôn có kèm đau hay thân nhiệt tăng.
Choáng ngất hay chóng mặt
Đây là dấu hiệu cho thấy bạn chưa ăn đủ nhu cầu của cơ thể nhưng nó cũng có nghĩa rằng huyết áp của bạn ở mức thấp.
Nhiều chị em cảm thấy mình cứ lâng lâng trong giai đoạn mang thai.
Trong trường hợp choáng ngất, cần trao đổi với bác sĩ ngay để xác định chính xác nguyên nhân.
Đau bụng dưới dữ dội hoặc đau hai bên bụng
Nếu bạn bị đau bụng dưới, đau một hoặc cả hai bên bụng thì cần đến gặp bác sĩ ngay. Rất có thể dây chằng bị giãn hoặc dấu hiệu của tình trạng thai làm tổ lệch vị trí, sẩy thai, sinh non, thoái hóa dây rốn hay bong nhau thai.
Bé ít cử động
Nếu bé “im ắng” trong hơn 24 tiếng sau 22 tuần tuổi thì bạn cần tới gặp bác sĩ ngay.
Thu Trang