Những bệnh thành thị

Bệnh hô hấp, tim mạch vẫnngày càng tăng. Cả những căn bệnh thời đại cũng hùn vào tấncông những thị dân “tứ bề thọ địch”!

Chưa bao giờ mức độ ô nhiễm không khí ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM trầm trọng như hiện nay. Đi trên đường, nhất là những lúc kẹt xe nhìn quanh ta lúc nhúc trên các xe máy hình như toàn là những “Ninja” với khẩu trang khăn mặt trùm kín mít.

Những bệnh thường gặp ở thị dân

Một sáng đầu tuần, tôi đi khám bệnh bảo hiểm ở BV đa khoa quận. Mới 7 giờ mà số thứ tự tôi vừa rút đã 108. Tôi than trời vìchờ biết bao giờ thì một bà già chau mày hỏi: “Ông biết tôi đi mấy giờ không?”. Rồi bà tự đáp: “Tôi đến từ 5 giờ rưỡi mà đã tới số 30”. Tôi cười trừ rồi lảng qua căn tin bệnh viện uống cà phê, chờ tới lượt.

Nhiều người cũng vào căn tin ngồi chờ như tôi. Tôi gặp vị bác sĩ quen mặt do tôi đã khám nhiều lần. Ông vừa ra ca trực, đang ngồi uống cà phê, gật đầu chào hỏi về bệnh tình của tôi.

Tôi than cái phổi tệ quá, ho khục khặc hoài không dứt. Bác sĩ bảo bệnh hô hấp lúc này tăng đột biến, có lẽ do không khí ô nhiễm quá!

Không chỉ hô hấp mà cả bệnh tim mạch, đái đường, những bệnh của người thành thị hiện nay mắc phải. Không chỉ thực phẩm bẩn, ô nhiễm không khí mà thuốc lá cũng là nguyên nhân gây biết bao nhiêu bệnh. Mấy cái chuyện ô nhiễm ngoài tầm tay mình, mình bất lực nhưng thuốc lá thì ta chủ động bỏ được thìtốt.

Chào vị bác sĩ đáng mến, tôi vội ra phòng khám kẻo trễ nhưng mới đến số thứ tự 72, tôi phải chờ 36 người nữa. Trong khi ngồi chờ, một chị ngồi cạnh tôi khúc khắc ho nhưng chẳng che miệng gì cả. Tôi cũng làm bộ gọi điện thoại rồi bước ra sân bệnh viện.

Việc ô nhiễm môi trường cộng thêm chuyện thiếu ý thức vệ sinh nơi công cộng cũng góp phần làm lây lan bệnh tật. Một thanh niên tuổi chừng 29-30, ngồi ở bậc thềm, tôi thấy ngờ ngợ. Anh ta da mặt vàng bủng và mặt mày nhăn nhó, nhìn thấy tôi gật đầu chào.

À đây là anh chàng nát rượu gần xóm tôi, trước làm công nhân điện lực nhưng ngày nào cũng say xỉn nên anh bị đuổi việc, rồi bị vợ bỏ. Chị vợ không chỉ bỏ anh mà bỏ cả thằng con mới năm tuổi cho bà mẹ chồng vừa giặt đồ thuê vừa nuôi cháu, lại phải nuôi ông con nát rượu. Vợ bỏ anh càng nhậu dữ, toàn mấy loại rượu đế ba, bốn ngàn một xị nên toàn là thứ rượu “nước lã pha cồn”.

Anh nói anh bị xơ gan khá nặng, lại không có bảo hiểm, không tiền nên bác sĩ chỉ cho toa mấy thứ thuốc rẻ tiền và khuyên anh uống thêm mấy loại thuốc Nam.


Người dân cứ ra đường là phải bịt mặt kín mít.

Người dân cứ ra đường là phải bịt mặt kín mít.

Và những căn bệnh thời đại

Không phải là nhiễm HIV hay bệnh AIDS (trước đây vẫn gọi là căn bệnh thời đại) mà là những bệnh từ công nghệ thông tin như PC, iPad, iPhone... Đó là bệnh về mắt do suốt ngày cắm đầu vào máy tính, điện thoại; bệnh về tai do thường xuyên đeo tai nghe; bệnh “ngón tay cái”, viêm mỏi cổ tay... do suốt ngày bấm, gõ; cả những bệnh từ công nghệ cao đối với dân văn phòng.

Nhiều người cứ ngỡ ngồi trong phòng máy lạnh thì không bị ô nhiễm không khí nhưng điều mà ít ai ngờ như ngồi sát máy in, máy photocopy mà theo các chuyên gia y tế có thể gây đau ngực, ho hay viêm họng vì khí ozone do các loại máy này phát ra. Máy in laser cũng có thể phát ra ozone, sản sinh ra bụi mực. Khi những bụi này xâm nhập vào phổi hay máu sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư.

Việc ngồi lâu trước màn hình vi tính không chỉ làm mắt bị khô và giảm thị lực mà còn tổn hại đến sức khỏe của da và giảm tuổi thọ. Cả việc ngồi lâu một chỗ mà không vận động sẽ gây đau lưng và tụ máu ở phần dưới cơ thể. Ngồi lâu cũng mỏi vai, cổ và khi đứng lên đột ngột máu không lưu thông kịp sẽ gây chóng mặt, khó chịu.

Nhiều người do sợ tiếng ồn khó tập trung làm việc nên thường đeo tai nghe. Thói quen này rất nguy hại cho thính lực vì khi đeo tai nghe khoảng cách âm thanh truyền đến dễ dàng, trực tiếp kích thích đến thần kinh tai. Thời gian dài mở âm thanh lớn dễ làm giảm thính lực...

Trên đây chỉ kể sơ qua những bệnh mà dân văn phòng ở TP dễ mắc phải. Đó là chưa nói đến nhiều bệnh lý do stress gây ra mà hầu hết cư dân các đô thị lớn đều có thể mắc phải như trầm cảm, suy nhược thần kinh, tim mạch, đái tháo đường...

Theo Ph.Đ. Nguyên Chương

Pháp luật TPHCM