Nhộm nhoạm như... lẩu cua vỉa hè!

Thời gian gần đây, lẩu cua vỉa hè đang trở thành món ăn được nhiều người lựa chọn do giá rẻ lại dễ ăn. Tuy nhiên, theo các bác sỹ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội thì lẩu cua vỉa hè lại đang là một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân phải nhập viện vì ngộ độc.

Trao đổi với Báo CAND chiều 19/3, TS.BS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: Kể từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm khá đông. Gần như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nhập viện, cao điểm có ngày lên đến cả gần chục bệnh nhân. Nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen ăn uống của người dân chưa đúng khoa học cũng như khí hậu nóng ẩm thất thường khiến thức ăn nhanh bị ôi, thiu.

Nhiều người phải nhập viện vì ngộ độc khi ăn lẩu cua vỉa hè.
Nhiều người phải nhập viện vì ngộ độc khi ăn lẩu cua vỉa hè.

Đặc biệt, TS.BS Nguyễn Kim Sơn lưu ý đến số bệnh nhân ngộ độc nhập viện do ăn lẩu cua vỉa hè. Ông cho biết: Thời gian gần đây, có không ít bệnh nhân ngộ độc nhập viện sau khi ăn lẩu cua vỉa hè- một món ăn khá phổ biến. Vì sao ăn lẩu cua vỉa hè lại bị ngộ độc?

TS.BS Nguyễn Kim Sơn phân tích, khi ăn lẩu cua, người dân thường có thói quen sử dụng kèm với rau sống chần tái thậm chí là ăn trực tiếp. Trong khi rau sống tại các hàng quán này được nhân viên rửa qua loa, lại bày ngay cạnh mặt đường bụi bặm rất mất vệ sinh.

Bên cạnh đó, TS.BS Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, số lượng cua đồng bây giờ không có nhiều, để cung cấp cho các quán ăn mọc lên như nấm hiện nay thì các chủ quán phải sử dụng loại cua nuôi tăng trọng hay các gói gia vị lẩu cua để tăng độ thơm, ngon.

Tại Trung tâm Chống độc, chúng tôi đã tiếp xúc với bệnh nhân Trần Thị Ngọc, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chị Ngọc kể lại: Tối hôm qua, chị và cả gia đình đi ăn lẩu cua tại vỉa hè đường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Sau khi ăn xong khoảng 3 giờ đồng hồ, chị Ngọc có biểu hiện bụng đau dữ dội, chân tay bủn rủn, người lạnh toát. Chị đã uống thuốc Berberin nhưng không thấy đỡ mà cảm giác đau bụng càng mạnh hơn, người rũ ra. Chị Ngọc đã nhanh chóng được đưa vào Trung tâm Chống độc. Tại đây, chị được các bác sỹ cho uống thuốc và nôn ra hết thức ăn, người cảm thấy nhẹ hẳn, cơn đau chấm dứt.

Đi dọc nhiều tuyến phố Hà Nội thời điểm này rất dễ nhận thấy khá nhiều vỉa hè được biến thành những quán lẩu, nướng… trong đó có món lẩu cua đang được rất nhiều người ưa chuộng. Tại phố Nguyễn Du, phố Trần Khát Chân, Trương Định… hàng loạt quán lẩu cua trưng biển khá bắt mắt “Lẩu cua 200K” hút thực khách. Bắt đầu từ khoảng 18h trở đi, những quán lẩu cua hoạt động nhộn nhịp và tấp nập khách ra vào.

Chị Nguyễn Thị Lan, cho biết: Lẩu cua rất dễ ăn, vị chua thanh mát, giá lại rẻ. Chỉ với 200.000 đồng/nồi cộng thêm thịt bò, sườn sụn… ngồi vỉa hè thoáng mát nên khi ra ngoài ăn, gia đình chị hay chọn lẩu cua vỉa hè.

Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn nguyên liệu để cho vào nồi lẩu cua đều không có nguồn gốc xuất xứ cũng như không đảm bảo vệ sinh. Rau sống thường chỉ được rửa qua loa, có khi vẫn còn dính rơm rác, đất cát. Khu chế biến thực phẩm của các quán ăn vỉa hè rất mất vệ sinh do tiết kiệm nước và đặt ngay cạnh đường phố. Thịt bò cho vào lẩu cũng thường đã được để trong ngăn đá tủ lạnh. Nhiều người lại có thói quen nhúng tái những thứ này nên nguy cơ ngộ độc rất cao.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, để tránh bị ngộ độc thực phẩm, người dân cần có thói quen ăn chín uống sôi cũng như tìm đến các quán ăn uy tín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốt nhất là nên tránh ăn tại các quán ăn vỉa hè tạm bợ.

Theo Nguyễn Hương

Công an Nhân dân