Nhồi máu cơ tim cấp vì uống nước ngọt liên tục
(Dân trí) - Người đàn ông 42 tuổi đã phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp sau thời gian dài liên tục uống nước ngọt. Các bác sĩ đã can thiệp khẩn, cứu tính mạng bệnh nhân.
Đó là trường hợp nam bệnh nhân N.Đ.H. (42 tuổi) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP HCM. Thời điểm chuyển đến khoa cấp cứu, bệnh nhân bị đau tức ngực sau xương ức, tình trạng đau tăng dần khiến người bệnh vã mồ hôi, khó thở, vùng ngực như bị ép, đè nặng.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía bệnh nhân ghi nhận, người bệnh không có tiền căn của bệnh lý tim mạch, không hút thuốc lá, ít uống bia rượu. Tuy nhiên, bệnh nhân kiếm sống bằng nghề bán nước ngọt nên mỗi khi mệt, khát nước anh thường xuyên dùng nước ngọt để giải khát và tăng lực.
Sau khi thăm khám, kiểm tra hình ảnh chiếu chụp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Mặc dù đã điều trị tích cực bằng các loại thuốc, tuy nhiên, tình trạng đau tức ngực của bệnh nhân vẫn không giảm. Sau kết quả xét nghiệm ghi nhận men tim tăng cao, bác sĩ đã tiến hành siêu âm tim khẩn cấp cho bệnh nhân.
Trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ phát hiện thành trước tim giảm co bóp nặng, chức năng tim giảm gần 35%. Sau khi chụp mạch vành qua da, bệnh nhân được xác thực chẩn đoán: tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước trái ngay sau lỗ vào. Ê kíp can thiệp đã hút ra nhiều huyết khối lớn, trong đó có 2 dải rất lớn gây tắc hoàn toàn động mạch. Bệnh nhân được đặt stent phủ thuốc để tái tạo mạch máu chỗ hẹp.
Sau can thiệp, mạch máu thông tốt, dòng chảy bình thường, ngay phía sau vị trí tắc hẹp có tình trạng cầu cơ động mạch vành gây hẹp khoảng 30% mạch máu. Sau 2 ngày được can thiệp cấp cứu, bệnh nhân khỏe, không đau ngực, sức khỏe bình phục tốt. Các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhồi máu cơ tim đã ổn định, men tim giảm nhiều.
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Anh Tuấn, trưởng kíp can thiệp thông tim bệnh nhân cho biết: đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, thể nhồi máu cơ tim tắc nghẽn hoàn toàn làm bệnh nhân đau ngực rất dữ dội, không thuyên giảm với điều trị thuốc ngay cả liều cao. Đây là một bệnh lý nặng, có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh: đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim hay thậm chí đột tử.
Theo chia sẻ của bác sĩ Anh Tuấn, hiện nay tình trạng nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa, bệnh nhân mắc bệnh mạch vành trước 50 tuổi đã không còn hiếm. Nhiều bệnh nhân điều trị muộn hoặc không thể tái thông mạch có thể bị đau ngực, khó thở, suy tim, nhập viện tái diễn nhiều lần. Một trong những nguyên nhân của tình trạng bệnh ngày càng trẻ hóa xuất phát từ lối sống và dinh dưỡng thường ngày.
Thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, lười vận động, sử dụng nhiều nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga, chứa lượng fructose cao… là những nguyên nhân gia tăng hội chứng chuyển hóa làm tăng hàm lượng cholesterol, gây bệnh tiểu đường và tim mạch.
Ngoài chế độ ăn uống, vận động hợp lý, để sớm phát hiện bệnh, tránh nguy hiểm có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo người dân cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Qua thăm khám, người bệnh sẽ được phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh lý thường gặp hiện nay như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… để điều trị dự phòng tránh xảy ra tình trạng nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim.
Vân Sơn