1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhỏ thuốc kháng sinh “dự phòng”, không tránh được đau mắt đỏ

(Dân trí) - Chưa năm nào, dịch đau mắt đỏ lại lan rộng ở nhiều dịa phương trong cả nước như năm nay. Lo sợ bị đau mắt đỏ, nhiều gia đình mua sẵn cả kháng sinh “dự phòng” nhưng đau vẫn hoàn đau. Người đeo kính đen vào hàng quán, nơi tập thể thì bị “kỳ thị”.

“Bị đuổi từ cơ quan đến… bệnh viện”!

Không may bị mọc lẹo mắt đúng thời điểm “nhạy cảm” là vụ dịch đau mắt đỏ đang hoành hành, cô phóng viên trẻ M.D của truyền hình Thông tấn xã Việt Nam gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười chỉ vì cái kính đen.

“Vừa lên đến cơ quan đã bị “đuổi”. Đến bệnh viện nhân sự kiện quan trọng, mọi người cũng nửa đùa nửa thật: “Đau mắt à, về đi” mặc mình giải thích, đến mức phải gỡ kính để mọi người nhìn thấy cái lẹo to đùng ở mắt mới yên tâm làm việc, không thì ai cũng tranh tránh. Ở cơ quan đã vậy, về nhà còn khổ hơn bởi cậu con trai đang tuổi rong chơi, thường ngày vẫn quen được bà bế sang nhà hàng xóm chơi với bạn bè. Thế mà mẹ bạn nào đó “tia” thấy mình đeo kính đen trong cuộc họp phát trên truyền hình đã lập tức “loan báo”, thế nên ở nhà, cu cậu đến nhà ai cũng trong tình cảnh em đứng trong song sắt, anh đứng ngoài song sắt trò chuyện, chứ không được vồn vã như mọi ngày”, D tâm sự.
 
Không nên tự ý nhỏ mắt bằng thuốc kháng sinh khi chưa đi khám và có chỉ định của bác sĩ.
Không nên tự ý nhỏ mắt bằng thuốc kháng sinh khi chưa đi khám và có chỉ định của bác sĩ.

Cũng khăng khăng con bị lây đau mắt đỏ từ cái “vuốt má” của con hàng xóm bị đau mắt vào má con trai mình, nên anh Phạm Cường ở Thái Thịnh, Hà Nội kiên quyết giữ cô con gái út trong tình trạng gần như giam lỏng trong phòng, ko dám cho tiếp xúc với anh. Cô em thì quấn anh, cứ nhìn thấy anh là chỉ trực lao tới ôm, chơi đùa, bị bố mẹ ngăn cản thì lăn ra khóc. Vợ chồng anh cũng phải phân công nhiệm vụ, mẹ phụ trách con gái, bố phụ trách con giai bị bệnh, cách ly cả tuần nhưng cuối cùng vẫn phải “di cư” hai mẹ con về ngoại vì rất khó cách ly khi ở cùng một nhà. “Chỉ vì con đau mà bố mẹ cũng bị xa cách. Rồi thằng con vừa vào lớp 1 đã phải nghỉ cả tuần, không biết sẽ theo lại các bạn như thế nào. Mong cái mắt mau khỏi bố mẹ mới được gần nhau, con đỡ khổ”, anh Cường chia sẻ.

“Nhà mình thì chỉ có 2 vợ chồng với đứa con, mẹ bị đau mắt đỏ nhưng chẳng thể trốn cách ly con được, đành đeo kính đen, đeo khẩu trang, rửa tay trước khi tiếp xúc với con. Nhưng bộ dạng ấy lại khiến cu cậu khóc thét vì sợ, vẫn phải cố nựng con qua khẩu trang, qua kính râm để không bị lây lan cho con. Nghĩ cảnh tối đi ngủ bố mẹ mỗi người đeo một khẩu trang vẫn thấy buồn cười. Chỉ vì cặp kính đen mà hàng xóm, người thân bỗng giữ khoảng cách hẳn”, chị Huyền (Xa La, Hà Đông) tâm sự.

Còn với chị Hà (Vĩnh Tuy, Hà Nội), khi hai mẹ con chị đeo kính râm đi dạo phố, ngồi cafe, không biết bao người hỏi han, “up” ảnh trên face, hàng trăm bạn bè chia sẻ, động viên hai mẹ con cố gắng nhanh khỏi đau mắt đỏ. “Trời ạ, hai mẹ con thời trang thế, ngày thường vẫn đeo kính màu như bình thường, không ai thắc mắc. Thế mà lần này, vừa up lên thì bạn bè chia sẻ, gọi điện ầm ầm, kể lể nỗi khổ đau mắt đỏ”, chị Hà nói.

Đắt hàng thuốc nhỏ mắt

Chưa năm nào, số người mắc đau mắt đỏ lại tăng cao như năm nay, diễn ra ở khắp các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy không gây những biểu hiện nặng nề, nhưng đau mắt đỏ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Không ít người phải nghỉ học, nghỉ làm vì đau mắt đỏ, kéo theo một loạt những ảnh hưởng, rắc rối cho công việc, học tập hàng ngày. Lo sợ bị đau mắt đỏ, nhiều người đã tự mua các loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt, đều đặn nhỏ hàng ngày cho các thành viên trong gia đình để phòng đau mắt đỏ. Thế nhưng, nhiều người trong đó vẫn “dính” mắt đỏ như thường.

Chị Hậu, nhân viên của hàng thuốc trên phố Hào Nam cho biết, thời điểm này, thuốc đắt hàng nhất tại cửa hàng chị là nước muối sinh lý và thuốc nhỏ mắt kháng sinh phổ rộng. Bản thân chị cũng khuyên mọi người chỉ nhỏ muối sinh lý hàng ngày khi đi đường bụi bặm nhưng nhiều người vẫn khăng khăng mua luôn thuốc nhỏ để phòng bệnh.

Sức mua các loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt tăng cao đến mức trên thị trường có những lúc xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc điều trị. Trong khi đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, có khoảng 200 đầu thuốc liên quan đến điều trị đau mắt đỏ đã được cấp phép lưu hành, đảm bảo đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân.

BS Hoàng Cương, BV Mắt Trưng ương cho biết, không ít người bệnh đến khám, than đã mua thuốc nhỏ mắt dự phòng cho cả gia đình, mà vẫn bị đau mắt đỏ.

“Nhỏ thuốc kháng sinh để dự phòng đau mắt đỏ là không cần thiết, lãng phí và không hiệu quả. Bởi kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt vi rút đau mắt đỏ, nên dù có đang nhỏ mắt đều đặn thì vẫn bị nhiễm, lây vi rút như bình thường. Kháng sinh chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm. Mắt đang bình thường, không bội nhiễm nhỏ thuốc vừa lích kích, vừa lãng phí. Chưa kể đến khi bội nhiễm thật, việc dùng lại kháng sinh có thể không hiệu quả vì nhờn thuốc”, BS Cương cảnh báo.

Theo BS Cương, vì đau mắt đỏ biểu hiện rầm rộ là mắt đỏ, sưng húp, ken đặc dử mắt, chảy nước mắt… nên mọi người đều rất sợ bị lây. Trong thực tế, đau mắt đỏ cũng như các bệnh hô hấp khác, dễ lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh bởi tốc độ lây truyền nhanh nhất cũng là ở giai đoạn này. Mọi người cần thực hiện triệt để vệ sinh bàn tay thường xuyên (kể cả sau khi vệ sinh mắt, trước khi ăn…), tránh đưa tay dụi mắt, phòng tiếp xúc gần là hoàn toàn có thể phòng ngừa.

Theo báo cáo giám sát của các đơn vị y tế từ đầu tháng 9-2013 đến nay tại nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận số người mắc bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) do vi rút tăng so với các tháng 7, 8- 2013, đặc biệt số mắc cao tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch đau mắt đỏ ngày 3/10 Bộ Y tế đã có công diện gửi đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng chống bệnh dịch đau mắt đỏ. Theo đó, yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.

Tú Anh