1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhỏ thuốc chống viêm nhanh khỏi đau mắt đỏ?

(Dân trí) - Tôi bị đau mắt đỏ tự điều trị đến ngày thứ 4 không đỡ, được người bạn mách dùng thuốc chống viêm corticoid nhỏ mắt sẽ nhanh khỏi hơn. Tôi đang phân vân có nên tự dùng hay không vì sợ tác dụng phụ của thuốc?

Tuy nhiên tôi thấy ngay cạnh nhà tôi, một cháu bé bị đau mắt đỏ đến BV Mắt TƯ khám lại được bác sĩ kê loại thuốc này. Tôi rất phân vân, xin hỏi bác sĩ có nên dùng hay không? Huyền Minh, Định Công, Hà Nội.
 
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương trả lời:


Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương trả lời:

Cân nhắc của bạn trước khi quyết định dùng thuốc chống viêm corticoid hay không hoàn toàn là đúng. Bởi việc sử dụng thuốc chống viêm trong điều trị đau mắt đỏ có nhiều rủi ro và phải được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám, quyết định.

Trong các thuốc chống viêm corticoid, thành phần thường có một kháng sinh là: polymyxin, neomyxin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn), và một thành phần là corticoid như dexamethazon (có tác dụng chống viêm rất tốt). Khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn truyền miệng cho nhau.

Thế nhưng, corticoid là con dao hai lưỡi, vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh, nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh. Ví như người bệnh bị nấm giác mạc, nếu không biết, cứ thấy ngứa, đỏ mắt là mua thuốc corticoid về nhỏ mắt sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc hoặc sẽ làm cho vết loét rộng ra, lâu lành sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây mù.

Hay như trong đau mắt đỏ, bác sĩ vẫn cân nhắc để kê loại thuốc nhỏ mắt này cho bệnh nhân, nhưng phải trên cơ sở có sự thăm khám trực tiếp của người thầy thuốc. Ở những bệnh nhân đau mắt đỏ kéo dài 5 - 7 ngày mà tình trạng chưa đỡ, bác sĩ thăm khám trực tiếp, nếu bệnh nhân không có tổn thương ở đáy mắt, không có biến chứng giác mạc bác sĩ có thể kê corticoid liều thấp, ngắn ngày để bệnh nhân nhanh khỏi hơn, đỡ ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt do thời gian bị đau mắt đỏ kéo dài.

Ngược lại, nếu bệnh nhân đã có biến chứng tổn thương giác mạc, tuyệt đối không nhỏ mắt corticoid, vì sẽ khiến tình trạng đau mắt đỏ trầm trọng hơn. Bởi thuốc nhỏ mắt corticoid gây giảm miễn dịch tại chỗ, khi miễn dịch giảm, vi rút gây bệnh tấn công mạnh càng làm bệnh bùng phát mạnh hơn. Đó là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ điều trị cả chục ngày không đỡ, tình trạng vẫn diễn tiến nặng lên do lạm dụng thuốc corticoid nhỏ mắt.

Đau mắt đỏ vốn là căn bệnh đơn giản, người bệnh nên tự vệ sinh, chăm sóc mắt sau một vài ngày chưa đỡ nên tới bệnh viện khám để bác sĩ tư vấn dùng thuốc. Tuyệt đối không tự nhỏ các thuốc chứa corticoid. Hiệu quả chống viêm, giảm bệnh cực nhanh với những trường hợp chỉ định đúng, còn ngược lại, bệnh bùng phát trở lại, diễn tiến nặng lên nếu chỉ định sai, vì thế, bác sĩ khám trước khi chỉ định thuốc là rất quan trọng.

Chưa kể, lạm dụng corticoid kéo dài còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm không chỉ cho mắt (như gây tăng nhãn áp, tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực… mà còn có thể gây những triệu chứng toàn thân. Vì thế, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chứa corticoid trong điều trị.

Hồng Hải (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm