Nhìn lại 2020, năm đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Khánh Hồng

(Dân trí) - "Khi được giao nhiệm vụ điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, đó là một áp lực lớn đối với chúng tôi. Tuy nhiên áp lực đó chỉ vài ngày đầu thôi", Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ.

Đội ngũ y bác sĩ được nâng cao chuyên môn

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 đang bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được Sở Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận cách ly các trường hợp liên quan đến Vũ Hán.

Thời điểm đó, Bệnh viện Phổi tiếp nhận cách ly đoàn du khách gần 20 người đến từ Daegu, Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó nhóm du khách này không chịu cách ly nên chính quyền thành phố đã bố trí máy bay đưa họ về nước.

Nhìn lại 2020, năm đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - 1

Các bác sĩ với quyết tâm chiến thắng Covid-19 trong lễ công bố bệnh nhân 582 khỏi bệnh tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Đầu tháng 3, trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên là 2 du khách người Anh và tiếp đến là nữ nhân viên Điện máy xanh bị lây từ 2 du khách này, bệnh viện Phổi tiếp tục là nơi cách ly của các trường hợp tiếp xúc với ca mắc Covid-19, các trường hợp nghi ngờ…

Cuối tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng mà tâm điểm là Bệnh viện Đà Nẵng. Để "làm sạch" Bệnh viện Đà Nẵng, hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo, các bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.

Khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng do bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) phụ trách nhanh chóng được thành lập để điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Nhìn lại 2020, năm đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - 2

Bệnh nhân 582 vui mừng trong ngày được công bố khỏi bệnh Covid-19

"Khi xây dựng kế hoạch điều trị Covid-19, Bệnh viện Phổi được giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức trung bình và nhẹ, còn những trường hợp nặng sẽ được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát mà tâm điểm là Bệnh viện Đà Nẵng nên các bệnh Covid-19 được chuyển về đây và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Đó là một áp lực lớn đối với chúng tôi".

"Tuy nhiên, áp lực đó chỉ vài ngày đầu thôi, khi có sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và cả nước, chúng tôi đã tự tin hẳn lên. Đặc biệt khi xây dựng được Khoa hồi sức cấp cứu thì việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng không còn là áp lực nữa", bác sĩ Lê Thành Phúc - Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ.

Nhìn lại 2020, năm đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - 3

Các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được xuất viện

Theo bác sĩ Phúc, việc tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng là cơ hội cho các y bác sĩ của bệnh viện được nâng cao chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp của Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện khác, cơ sở vật chất của bệnh viện cũng được trang bị thêm.

Những ca bệnh nặng đầu tiên được chữa khỏi trong niềm vui và hạnh phúc của đội ngũ y bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân ở đây cũng như ngành y tế cả nước.

Nhìn lại 2020, năm đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - 4

Dù rất vất vả khi trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhưng các bác sĩ, điều dưỡng luôn lạc quan

"Chúng ta đã cẩn trọng từng li, từng tí một tìm cơ hội cho người bệnh để có thành công như hôm nay. Đây là một niềm vui, là sự động viên và ghi nhận tất cả đội ngũ y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng cũng như trên toàn quốc trong suốt thời gian vừa qua", bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng xúc động chia sẻ trong buổi công bố bệnh nhân nặng 582 khỏi Covid-19, ngày 16/8.

Theo bác sĩ Yến, đây cũng là một bài học kinh nghiệm để lực lượng y tế từng bước cứu sống thêm nhiều bệnh nhân nặng như thế này giúp họ trở về cuộc sống bình thường.

Sau khi Đà Nẵng hết Covid-19, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn là bệnh viện duy nhất của Đà Nẵng thu dung, điều trị các trường hợp Covid-19 nhập cảnh mắc. Hiện bệnh viện đang điều trị hơn 20 ca mắc Covid-19 nhập cảnh.

Xung phong điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 từ cuối tháng 7 khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng cho đến khi bệnh nhân cuối cùng xuất viện là ngày 14/9 nhưng bác sĩ Nguyễn Nhật Trường (sinh 1993, Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) không cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi.

Khi bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca mắc Covid-19 nhập cảnh, bác sĩ Trường đã viết đơn tình nguyện tham gia điều trị cho các bệnh nhân.

Nhìn lại 2020, năm đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - 5

Bác sĩ Nguyễn Nhật Trường là người xung phong tiếp tục tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh

"Tôi còn trẻ, lại chưa có lập gia đình nên thuận lợi hơn các anh chị khác. Đợt dịch vừa qua tôi tham gia điều trị cũng đã có kinh nghiệm và học hỏi được nhiều điều. Vì vậy tôi muốn tiếp tục đóng góp công sức của mình vào công tác phòng chống Covid-19", bác sĩ Trường tâm sự.

Nhớ lại đợt dịch Covid-19 tháng 7 vừa qua, bác sĩ Trường cho biết đó là những ngày anh cũng như các đồng nghiệp phải vắt chân lên cổ mà chạy khi bệnh nhân đông và nhiều bệnh nặng.

Mỗi lần vào thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân đều phải mặc đồ bảo hộ kín mít. Thời tiết nắng nóng nên khi ra khỏi phòng bệnh cũng là lúc ướt từ đầu đến chân.

Nhìn lại 2020, năm đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - 6

Bác sĩ Trường theo dõi tình hình của bệnh nhân qua camera

"Có lần, tôi đi theo chuyển bệnh nhân nặng ra Huế, ngồi trên xe 8 tiếng đồng hồ mà mặc đồ bảo hộ kín mít thở không nổi luôn, người ướt sũng như mới nhúng nước vậy", bác sĩ Trường kể.

Vất vả là vậy nhưng niềm vui lớn nhất của các bác sĩ, điều dưỡng ở đây là khi bệnh nhân khỏi bệnh, được xuất viện về nhà đoàn tụ với gia đình.

Chồng là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà, vì vậy bình thường những ngày chị Đoàn Thị Phương (sinh 1983, điều dưỡng Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) đi trực, hai con (một cháu lớp 9, một cháu lớp 4) phải tự chăm sóc lẫn nhau. Thế nhưng, đợt điều trị Covid-19 nào, chị Phương cũng tham gia rất tích cực, không nề hà.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, để chị Phương yên tâm chăm sóc cho các bệnh nhân, đơn vị chồng chị đã sắp xếp cho anh nghỉ phép để ở chăm sóc các con.

Nhìn lại 2020, năm đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - 7

Dù con còn nhỏ nhưng điều dưỡng Đoàn Thị Phương luôn tích cực tham gia chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19

"Các cháu cũng hiểu và thông cảm cho công việc của mẹ nhưng cũng buồn vì thời gian dài không được gặp mẹ", chị Phương cho biết.

Hiện điều dưỡng Phương cũng đang tham gia ê kíp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh như bác sĩ Trường.

Theo bác sĩ Phúc, các điều dưỡng và bác sĩ ở đây đều rất có tinh thần trách nhiệm với công việc, luôn sẵn sàng vào khu điều trị Covid-19.

"Khi bắt đầu điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh, nhiều điều dưỡng, bác sĩ đã làm đơn tình nguyện vào khu Covid-19 chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh viện sẽ sắp xếp theo thứ tự để công việc được nhịp nhàng, không bị chồng chéo", bác sĩ Phúc cho hay.