Nhìn lại 1 tháng Hà Nội "nóng" giữa sóng dịch Covid-19 thứ tư
(Dân trí) - Đợt dịch thứ tư tại Hà Nội bùng lên với 8 chùm ca bệnh lan rộng 20 quận huyện. Nơi hiểm yếu nhất là các bệnh viện cũng đã trở thành mục tiêu tấn công của Covid-19.
8 chùm ca bệnh làm bùng lên đợt dịch mới
Ngày 29/4, nam thanh niên sinh năm 1993, có địa chỉ tại Việt Hùng, Đông Anh được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 đã khởi đầu cho đợt dịch thứ tư tại Hà Nội.
Điều tra dịch tễ xác định, người này vào ngày 22/4 đã ăn liên hoan cùng ca bệnh người Hà Nam trở về từ Nhật Bản (BN2899).
Từ đốm lửa đầu tiên này, chỉ trong vòng 1 tháng, dịch Covid-19 đã tấn công 20 quận huyện tại Hà Nội với 356 ca bệnh được phát hiện trên địa bàn (trong đó có 90 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 50 ca tại Bệnh viện K Tân Triều).
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, các bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thuộc 8 chùm ca bệnh chính: chùm ca bệnh tại Times City và Công ty T&T, chùm Đà Nẵng, chùm Bắc Ninh, chùm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, chùm Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, chùm Hưng Yên, chùm Hải Dương và chùm khác.
Trong đó, chùm ca bệnh tại Times City và Công ty T&T được Sở Y tế Hà Nội đánh giá là rất phức tạp, chưa rõ nguồn lây, có nhiều ca mắc liên quan tới các địa điểm rất nhiều người làm việc và sinh sống.
Đến thời điểm hiện tại, đã ghi nhận hơn 40 bệnh nhân thuộc chùm ca bệnh này, trong đó đa số là nhân viên làm việc tại tòa nhà T&T.
Cơ quan chức năng nhận định, trong thời gian tới, Hà Nội có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới vì thời gian các ca bệnh ở trong cộng đồng dài, đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.
Vụ việc vợ chồng nguyên Giám đốc Hacinco khai báo y tế không trung thực cũng là một điểm nóng trong diễn biến dịch mùa 4 của Hà Nội.
Cụ thể, sau khi đi du lịch về từ Đà Nẵng, ông N.V.T. (nguyên Giám đốc Hacinco) và vợ là bà N.T.T.H. có đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để thăm khám vào ngày 12/5 vì bị ho, đau họng. Tuy nhiên, khi khai báo y tế, 2 người này đều khai không đến vùng dịch, không tiếp xúc với ai nghi nhiễm/nhiễm Covid-19, không có biểu hiện triệu chứng ho, sốt, đau họng, chảy mũi. Phải đến khi có kết quả test nhanh dương tính, hai bệnh nhân mới khai tiền sử dịch tễ có đi Đà Nẵng từ ngày 30/4-2/5 và có triệu chứng ho, đau họng từ ngày 6/5.
Liên quan đến vợ chồng nguyên Giám đốc Hacinco, Hà Nội đã xác định gần 30 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Để đánh giá nguy cơ về nguồn lây, Hà Nội cũng đã chủ động gửi 17 mẫu bệnh phẩm sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen. Kết quả tất cả mẫu đều phát hiện mầm bệnh là chủng SARS-CoV-2 ở Ấn Độ (B.1.617.2). Đây được đánh giá là biến chủng có tốc độ lây lan rất nhanh.
Bệnh viện trở thành mục tiêu tấn công của Covid-19
Trong làn sóng dịch thứ tư, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã trở thành mục tiêu tấn công của Covid-19.
Ngày 5/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiến hành phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập" sau khi ghi nhận chùm ca Covid-19 trong bệnh viện bao gồm cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà.
Ngày 6/5, một bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 105 (Sơn Tây) có tiền sử đi học ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Ngay lập tức, bệnh viện này đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị, đồng thời cách ly toàn bệnh viện để phòng dịch.
Chỉ 1 ngày sau, Bệnh viện K cũng đã phải đóng cửa cả 3 cơ sở sau khi xác định 10 ca mắc Covid-19 tại Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy thuộc cơ sở Tân Triều.
Cũng trong ngày này, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình thông báo tạm dừng hoạt động, không tiếp nhận bệnh nhân để thực hiện công tác khử khuẩn toàn bộ bệnh viện, vì có 2 ca Covid-19 đã đến làm xét nghiệm dịch vụ SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế này.
Ngày 14/5, Bệnh viện Phổi Trung ương phát hiện 1 bác sĩ làm việc tại phòng Chỉ đạo chương trình dương tính SARS-CoV-2. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, bác sĩ này và gia đình từng có tiền sử đi du lịch Đà Nẵng.
Chống dịch với tâm thế chủ động tấn công
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Hà Nội đã từng bước siết chặt các quy định phòng chống dịch.
Ngày 3/5, UBND TP. Hà Nội đã có công điện hỏa tốc yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19 từ 17h cùng ngày.
Nội dung công điện yêu cầu tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo, đồng thời tạm dừng hoạt động đối với quán ăn uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới.
Từ ngày 11/5, Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Các cửa hàng ăn, uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m.
Đến sáng 13/5, chính quyền sở tại ra thông báo cấm toàn bộ các hoạt động thể thao tập trung đông người, sân golf.
Từ 12h ngày 25/5, thành phố tiếp tục yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động của các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, ăn uống (chỉ cho bán mang về), các cơ sở cắt tóc, gội đầu, không tập trung đông người.
Từ 0h hôm nay, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung... tại các cơ sở trên địa bàn cũng đã được yêu cầu dừng tổ chức.
Bên cạnh các biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc, Hà Nội cũng đã chủ động "tấn công" Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các lực lượng tuyến đầu đã dốc toàn lực "chạy đua" với dịch bệnh để phân tích, phát hiện nhanh, khoanh vùng nhanh, nhằm hạn chế nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.
Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Mục tiêu của thành phố là có 95% đối tượng nguy cơ và người dân được tiêm chủng đủ mũi vắc xin phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ.
Để triển khai kế hoạch này, thành phố sẽ huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các sơ sở y tế, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng.