1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhịn ăn 14 giờ mỗi ngày giảm nguy cơ đái tháo đường, đột quỵ và bệnh tim

(Dân trí) - Nhịn ăn 14 giờ một ngày và ăn trong 10 giờ còn lại có thể làm giảm nguy cơ đái tháo đường, một nghiên cứu mới cho thấy.

Nhịn ăn không liên tục theo những thời gian biểu ăn uống khác nhau đã trở thành một trào lưu trong những người nổi tiếng, từ Kourtney Kardashian tới Jack Dorsey,và những người thực hiện đều cho rằng việc nhịn ăn một thời gian tốt cho cả dáng vóc và cảm nhận của họ.

Một số thực hiện lịch nhịn ăn đến mức cực đoan - nhưng một nghiên cứu mới từ trường Đại học California, San Diego, thấy rằng chỉ đơn giản là ăn trong một khoảng thời gian 10 giờ không chỉ dễ thực hiện, mà còn mang lại những lợi ích như giảm cân và cholesterol tốt hơn.

Chỉ trong 12 tuần, 19 người tham gia thử nghiệm - hầu hết bị béo phì - đã thấy giảm chỉ số BMI, cân nặng và mỡ trong cơ thể và nhiều người thấy huyết áp và đường huyết được cải thiện.

Trước nghiên cứu này, những người tham gia đang gặp khó khăn trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết bây giờ họ có thể có cơ hội để né tránh căn bệnh này.

Nhịn ăn 14 giờ mỗi ngày giảm nguy cơ đái tháo đường, đột quỵ và bệnh tim - 1

Ăn trong 10 giờ mỗi ngày, sau đó nhịn ăn trong 14 giờ, có thể giúp người có nguy cơ đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ tránh các bệnh mãn tính nguy hại, giảm cân và cảm thấy tốt hơn.

Hội Tim Mỹ ước tính có 47 triệu người Mỹ bị hội chứng chuyển hóa, một tập hợp các triệu chứng thường đi trước đái tháo đường.

Khoảng 1/3 số người Mỹ trưởng thành có ít nhất ba trong số năm yếu tố nguy cơ tạo nên hội chứng chuyển hóa: đường máu tăng, tăng huyết áp, nồng độ triglyceride cao, HDL cholesterol “tốt” thấp và béo bụng.

Khoảng 85% những người có bộ triệu chứng này cũng bị đái tháo đường týp 2.

Những người bị cả hai tình trạng trên cũng có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.

Chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa là thời điểm rất quan trọng để can thiệp.

Còn khi đã bị đái tháo đường hoặc phải dùng nhiều loại thuốc như insulin thì sẽ rất khó để đảo ngược quá trình bệnh.

Thay đổi chế độ ăn uống và kế hoạch tập thể dục của những bệnh nhân này là điều cần thiết, nhưng khó khăn.

Trong khi nhiều chế độ ăn kiêng, như keto, đã được chứng minh là không bền vững hoặc thậm chí có hại trong một số trường hợp, thì nhịn ăn gián đoạn đã được kiểm nghiệm rộng rãi.

Trong thử nghiệm mới nhất, nhóm các nhà khoa học của trường Đại học UC San Diego đã tuyển 19 người mắc hội chứng chuyển hóa.

Hầu hết những người tham gia đều bị béo phì và 84% số họ đã dùng ít nhất một loại thuốc để điều trị tình trạng của họ.

Trong 12 tuần, các đối tượng được kê đơn một lịch trình nhịn ăn gián đoạn.

Họ được dặn không ăn bất cứ thứ gì trong 14 giờ một ngày.

Nhưng trong 10 giờ còn lại, họ có thể ăn bất cứ thứ gì, bất cứ khi nào và bất cứ bao nhiêu mà họ muốn.

Tất cả các đối tượng đều có xu hướng ăn sáng muộn hơn - khoảng hai giờ sau khi thức dậy - và ăn bữa tối sớm hơn so với lịch trình ăn uống bình thường của họ.

Chỉ sau 12 tuần, mức mỡ cơ thể, BMI và cân nặng của người tham gia đều giảm khoảng 3%.

Nhiều người, nhưng không phải tất cả, có mức cholesterol và đường trong máu thấp hơn khi kết thúc nghiên cứu, và 70% cho biết họ ngủ tốt hơn.

Trên thực tế, những người tham gia nghiên cứu rất hài lòng với tiến bộ của mình và khoảng 2/3 tiếp tục nhịn ăn gián đoạn, ít nhất là không liên tục, cho đến một năm sau khi dự án kết thúc.

Satchidananda Panda, giáo sư tại Viện Salk, cho biết: "Đã có rất nhiều thảo luận về việc nhịn ăn không liên tục và mọi người nên ăn gì trong thời gian này để có được lợi ích ".

“Dựa trên những gì chúng tôi quan sát thấy, thì thời gian 10 giờ dường như mang lại những lợi ích này.

Đồng thời, nó không nghiêm ngặt đến mức mọi người không thể theo đuổi lâu dài.”

Cẩm Tú

Theo DM