1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều yếu tố dẫn đến phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin

(Dân trí) - Các yếu tố chủ quan như bảo quản vắc-xin, thực hành tiêm, theo dõi sau tiêm đến các yếu tố khách quan do cơ địa của trẻ, do tính chất mỗi loại vắc-xin… có thể làm tăng nguy cơ phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng.

TS.BS Nguyễn Nhật Cảm (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Dân trí xung quanh những phản ứng không mong muốn khi tiêm vắc-xin cho trẻ, việc phòng ngừa những phản ứng không mong muốn này…
 
Thưa ông, vắc xin 5 trong 1 thường gây ra những phản ứng như thế nào sau tiêm chủng?


Thưa ông, vắc xin 5 trong 1 thường gây ra những phản ứng như thế nào sau tiêm chủng?

Vắc xin 5 trong 1 cũng có những phản ứng giống với các vắc xin khác. Bởi vắc xin là một loại thuốc, đã là thuốc thì thuốc nào cũng có thể có những phản ứng không mong muốn, gồm những phản ứng bình thường như sốt, đau sưng tại vết tiêm và những phản ứng bất thường như sốt cao, co giật, thậm chí những trường hợp nặng có thể phản ứng sốc.

Những phản ứng này với vắc xin cũng không phải là bất thường, nó giống như thuốc và có những phản ứng không mong muốn, vấn đề là tỷ lệ như thế nào. Ngay cả với thuốc bổ, ví dụ như vitamin B1 cũng có những người uống vào là dị ứng dẫn đến sốc. Hay có những người bị dị ứng thức ăn, toàn thân đỏ như con tôm luộc, thậm chí bị trụy tim mạch vì dị ứng thức ăn.

Tại Hà Nội, hiện đã tiêm được bao nhiêu liều vắcx in 5 trong 1 và tỷ lệ phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng là như thế nào, thưa ông?

Vắc xin Quinvaxem "5 trong 1" là vắc xin phối hợp giúp trẻ phòng được 5 loại bệnh rất nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uấn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib).

Từ tháng 6/2010 Hà Nội triển khai tiêm loại vắc xin này và đến nay đã có gần 1 triệu liều được tiêm cho khoảng hơn 300 ngàn trẻ trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn Hà Nội. Tất cả đều an toàn, trừ một trường hợp có sốc sau tiêm vắc-xin nhưng được cấp cứu kịp thời, bệnh nhi hoàn toàn hồi phục.

Tôi cho rằng, với tỉ lệ này, phản ứng không mong muốn của vắc-xin 5 trong 1 không có gì bất thường. Tuy nhiên trước những thông tin về những phản ứng sau tiêm, người dân lo lắng, ngành y tế phải cung cấp thông tin kịp thời để người dân yên tâm và hiểu rõ giữa lợi ích và nguy cơ của việc tiêm chủng. Có hàng trăm nghìn, hàng triệu trẻ em đã được bảo vệ trước những bệnh lý vô cùng nguy hiểm so với  tỉ lệ rất thấp, không vượt quá giới hạn cho phép của những phản ứng không mong muốn. Rõ ràng, những tỉ lệ phản ứng đó là rất thấp so với giá trị bảo vệ vắc-xin mang lại.

Thưa ông, những yếu tố nào dẫn đến gia tăng phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin?

Có hai yếu tố, khách quan và chủ quan. Chủ quan là thuộc về cán bộ y tế, đó là việc bảo quản vắc xin không đúng quy định, khám phân loại không đầy đủ, thực hành tiêm chủng chưa đúng, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng không tốt, không phát hiện sớm. Nếu phát hiện sớm thì hậu quả sẽ nhẹ hơn. Vì thế ngành y tế cần nâng cao chất lượng tiêm chủng làm sao để an toàn tuyệt đối, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân.

Còn yếu tố khách quan có thể do cơ địa của mỗi trẻ, do bản chất của vắc-xin có vắc-xin phản ứng mạnh, có vắc-xin phản ứng nhẹ.

Một phần nữa do gia đình, ví như việc chuẩn bị cho trẻ đi tiêm chủng, mùa đông phải tránh bị lạnh. Khi đi tiêm nên ăn uống đầu đủ, tránh bị đói, đói cũng làm phản ứng mạnh lên, do thể chất của trẻ.

Cần phải nhấn mạnh, yếu tố chủ quan đầu tiên là do cán bộ y tế. Vì thế, cha mẹ đưa con đi tiêm chủng có quyền giám sát việc triển khai tiêm chủng của cán bộ y tế để kịp thời phản hồi, không để nguy cơ phản ứng không mong muốn xảy ra.

Thưa ông, việc bảo quản vắc xin 5 trong 1 phải theo quy định nào và việc bảo quản không đúng gây nguy cơ gì với trẻ được tiêm?

5 trong 1 phải bảo quản từ +2 đến +8 độ C. Việc bảo quản này luôn phải đạt yêu cầu từ nơi sản xuất đến nơi tiêm cho trẻ. Bảo quản không tốt, nếu nhiệt độ thấp có thể dẫn đến đông băng. Nhiệt độ cao dẫn đến hỏng vắc xin, vừa khiến giảm hiệu quả của vắc xin vừa có thể làm gia tăng những phản ứng bất thường sau tiêm chủng.

Tại Hà Nội, kiểm tra giám sát như thế nào với việc bảo quản vắc xin, đảm bảo vắc xin đạt chất lượng tốt nhất khi tiêm cho trẻ, thưa ông?

Việc bảo quản đúng vắc xin là ưu tiên số một của chúng tôi. Ví như tủ lạnh bảo quản vắc xin ngày phải kiểm tra nhiệt độ hai lần. Bất kể tủ bảo quản vắc xin hay phích đựng vắc xin đều phải có 2 nhiệt kế để giám sát nhiệt độ. Chúng tôi giám sát rất chặt vấn đề này để đảm bảo vắc xin có chất lượng tốt nhất.

Ông có khuyến cáo như thế nào với thời điểm tốt nhất để tiêm vắc xin cho trẻ?

Nguyên tắc của việc tiêm chủng, đầu tiên phải đầy đủ đúng lịch mới có hiệu quả cao nhất. Vì thế, khi đến các cơ sở tiêm chủng, trách nhiệm của các bà mẹ là phải thông báo cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của con em mình để cán bộ y tế khám sàng lọc, hoãn tiêm với trường hợp có bệnh cấp tính, phản ứng nặng với mũi tiêm trước. Trách nhiệm cán bộ y tế phải khám phân loại sàng lọc, hoãn tiêm với những trẻ ốm, sốt.

Sau tiêm chủng, cần theo dõi tình trạng sức khỏe người được tiêm chủng tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, sau đó hướng dẫn chăm sóc, theo dõi tại nhà. Với những phản ứng sốt nóng, sưng nhẹ là bình thường, còn sốt cao, co giật, sốc sau tiêm chủng là bất thường. Tuy nhiên rất hiếm gặp những trường hợp trẻ có bất thường. 

Vắc xin Quinvaxem "5 trong 1" là vắc xin phối hợp DPT - VGB - Hib (bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B – viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib) của nhà sản xuất Berna B được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tháng 9/2006 và đến nay, vắc-xin này đã được sử dụng rộng rãi ở 90 nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2000 do WHO hợp tác với Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tiến hành, ước tính Hib gây ra 625 trường hợp viêm màng não, 107.565 trường hợp viêm phổi nặng hàng năm. Bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động…. Tỷ lệ tử vong có thể từ 5-10% đối với những trẻ bị viêm màng não do Hib. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng bằng tiêm vắc-xin sớm cho trẻ.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải (thực hiện)