Nhiều trường hợp ung thư liên quan đến amiăng trong tấm lợp mái

(Dân trí) - Amiăng là chất gây hại cho sức khỏe con người, thậm chí gây nhiều bệnh lý ung thư nguy hiểm. Thế nhưng suốt 10 năm nay, Việt Nam luôn lọt “top” 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Thực tế tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca ung thư liên quan đến amiăng.

Nhiều trường hợp ung thư liên quan đến amiăng trong tấm lợp mái


Ngày 17/7, tại hội thảo amiăng với sức khỏe do Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về amiăng - một chất gây hại cho sức khỏe, thậm chí ung thư - được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Ông Jeffery Kobza, Quyền trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết mỗi năm trên toàn cầu có trên 100.000 người chết và 1.523.000 năm phải sống với khuyết tật (DALYs) vì các bệnh có liên quan đến amiăng như ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng

Về tính độc hại của vật liệu này, giáo sư Ken Takahashi Đại học Sức khoẻ môi trường và nghề nghiệp Nhật Bản cho biết, sau hơn 40 năm nghiên cứu tất cả các loại amiăng, từ năm 1972 Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới căn cứ trên kết quả của hàng trăm nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới và đã kết luận có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người.

Tiến sỹ Lương Mai Anh cho hay, kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn từ 2010-2011 khẳng định Việt Nam đã có nhiều trường hợp ung thư trung biểu mô, cụ thể có 80% ca ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng.

Chính vì các gánh nặng bệnh tật và gánh nặng tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, mà cả WHO và ILO đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng; Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị cấm tất cả các loại amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các biện liên quan.

“Tại một số quốc gia phát triển, amiăng trắng chỉ còn sử dụng trong công nghệ quốc phòng, nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên ở Việt Nam amiăng trắng chủ yếu dụng để sản xuất tấm lợp, thậm chí tại các vùng cao người dân còn sử dụng tấm lợp amiăng để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt, vô hình chung người dân đã sử dụng phải nước có nhiễm amiăng”, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.  

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Bộ Y tế,  amiăng được sử dụng chủ yếu để sản xuất tấm lợp A-C và hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài, trung bình mỗi năm nhập khoảng 65.000 tấn. Năm 2012 Việt Nam nhập gần 79.000 tấn (đứng thứ 6 trên thế giới) và trong số 5 nước châu Á sử dụng amiăng. Theo số liệu của Cục khảo sát địa chất của Hoa Kỳ, Việt Nam từ 10 năm nay luôn đứng trong số 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất trên thế giới.

“Cần phải tiến hành các nghiên cứu về xử lý các vật liệu thải có chứa Amiăng trong cộng đồng, để đảm bảo môi trường sống của cộng đồng được an toàn hơn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, "Do đó, sắp tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm đưa amiăng vào danh mục hoá chất độc hại của Công ước Rotterdam, tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn amiăng tại Việt Nam". 

Hồng Hải