Nhiều quốc gia áp dụng biện pháp “mạnh” để giảm tiêu thụ thuốc lá
Tăng thuế thuốc lá, cảnh báo tác hại của thuốc lá bằng những hình ảnh gây sốc… được coi là một trong những biện pháp mạnh, mang lại tính hiệu quả cao để góp phần làm giảm số lượng người hút thuốc lá.
Giá tăng giảm tiêu thụ thuốc lá
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên thế giới. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 căn bệnh: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư miệng, dạ dày, bàng quang, tụy... và là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cũng theo WHO, tăng thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm tiêu dùng thuốc lá, qua đó làm giảm tổn thất về sức khỏe của con người, kinh tế của quốc gia và hộ gia đình.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, trung bình giá một bao thuốc lá tăng 10% làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá 4% tại các nước có thu nhập cao và 8% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy tăng thuế, tăng những cảnh báo bằng hình ảnh gây sốc sẽ có tác động giảm số người hút thuốc. Ảnh: Tú Anh
Thực tế đã cho thấy, nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Brazil dù vấp phải nhiều rào cản trong quá trình thực hiện tăng thuế thuốc lá, tuy nhiên họ đã thực hiện thành công và chứng minh, tăng thuế vừa góp phần tăng thu ngân sách, vừa giảm tiêu dùng thuốc lá.
Theo thông Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia (Vinacosh), trong giai đoạn từ 1994 đến năm 2012, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện 10 lần tăng thuế thuốc lá (từ 65% lên 87%). Tại nước này, tác động của việc tăng thuế thuốc lá đến giá thuốc lá là giá thuốc lá tăng từ 15 Bath/bao lên 65 Bath/bao, kéo theo số người sử dụng thuốc lá tại nước này đã giảm rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ người hút thuốc ở nam giới giảm từ 59% năm 1991 xuống còn 41% năm 2011, tỷ lệ hút thuốc ở nữ giới giảm từ 4,9% năm 1991 xuống còn 2,1% năm 2011.
Ước tính số ca tử vong sớm tránh được từ việc áp dụng chính sách thuế của nước này trong giai đoạn 1991-2006 là hơn 31.800 người.
Trên thế giới, Brazil cũng là một nước áp dụng thành công chính sách tăng thuế thuốc lá và đã làm giảm đáng kể số người hút thuốc. Cụ thể, từ năm 2006 đến năm 2013, tại Brazil, thuế tiêu thụ đặc biệt cho mỗi bao tăng 116% (giá thuốc lá thực trung bình tăng 74%). Trong giai đoạn này, doanh số bán thuốc lá trong nước giảm 32%, tuy nhiên, doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 48%.
Với việc áp dụng tăng thuế, số người hút thuốc ở Brazil giảm từ 21 triệu người năm 2006 xuống còn 17 triệu người năm 2013.
Mới đây, tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới lần thứ 6 – FCTC COP 6, các bên đã nhất trí thông qua Hướng dẫn thi hành Điều 6: các biện pháp về giá và thuế để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Hướng dẫn này đưa ra những lời khuyên cụ thể cho từng quốc gia, trong đó có Việt Nam, về các biện pháp thực hành tốt nhất trong lĩnh vực thuế thuốc lá và sẽ rất quan trọng trong việc hỗ trợ các bên trong việc đáp ứng các nghĩa vụ của mình với FCTC.
Tại Việt Nam, Luật quy định lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%.
Từ bỏ thuốc nhờ hình ảnh… sốc!
Nepal, một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới đã thực hiện bước tiến lớn trong phòng chống tác hại thuốc lá. 85% diện tích bề mặt của bao bì thuốc lá ở Nepal sẽ phải được trưng bày những hình ảnh cảnh báo người tiêu dùng về hậu quả của việc hút thuốc lá. Một loạt các hình ảnh cảnh báo sức khỏe ở Nepal mô tả các bệnh ung thư miệng, dị dạng bào thai và các hậu quả khác do sử dụng thuốc lá sẽ tác động tốt đến người hút thuốc, khiến họ cảm thấy ghê sợ những tác hại nguy hiểm do thuốc lá gây ra và bỏ hút thuốc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh in trên vỏ bao bì thuốc lá được coi là biện pháp kinh tế, không tốn kém, nhưng lại rất có hiệu quả trong việc cảnh báo về những tác hại sức khỏe do việc tiêu thụ thuốc lá gây ra. CBSK bằng hình ảnh chứa các thông điệp rõ ràng và trực tiếp, thậm chí tác động được tới cả những người không biết chữ. Các hình ảnh cảnh báo làm giảm thẩm mỹ của các vỏ bao thuốc và sẽ góp phần ngăn ngừa những người có ý định hút thuốc.
Tại Việt Nam, từ 1/5/2013 đã in cảnh báo tác hại của thuốc lá bằng hình ảnh, chiếm 50% diện tích bao bì.
“Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, những cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh thúc đẩy người hút thuốc bỏ thuốc và ngăn cản mọi người, đặc biệt là giới trẻ, khỏi việc bắt đầu hút thuốc. Như tại Brazil, 2/3 số người hút thuốc cho biết các cảnh báo sức khỏe làm họ muốn bỏ thuốc. Tại Canada, hơn một nửa số người hút thuốc (58%) cho biết CBSK bằng hình ảnh giúp họ suy nghĩ nhiều hơn về các tác động sức khỏe của việc hút thuốc. Tại Singapore, hơn một phần tư số người hút thuốc (28%) nói rằng họ hút ít thuốc hơn nhờ những cảnh báo sức khỏe, 71% nói rằng họ biết nhiều hơn về những ảnh hưởng tới sức khỏe của việc hút thuốc”, đại diện chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia cho biết.
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh diện tích lớn có thể giúp tránh được khoảng 500 ca tử vong sớm (do thuốc lá) mỗi năm vào năm 2023 và khoảng 750 ca vào năm 2033
Tú Anh