Nhiều người ở TPHCM bỗng liệt một bên cơ thể khi đang nấu ăn, dùng bữa
(Dân trí) - Đang nấu ăn, dùng bữa trưa, các bệnh nhân đột ngột ngã gục, liệt một bên cơ thể, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.
Tại hội nghị Đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Thống Nhất 2023, diễn ra ngày 21/7, thạc sĩ, bác sĩ Trang Mộng Hải Yên, khoa Tim mạch cấp cứu can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) đã báo cáo về các trường hợp đột quỵ nhồi máu não được can thiệp nội mạch thành công.
Hàng loạt trường hợp đột ngột liệt nửa người
Trường hợp đầu tiên là bà Đ.T.H. (64 tuổi). Khai thác bệnh sử, khoảng 10h30 sáng, bệnh nhân đang nấu ăn đột ngột ngã xuống, liệt nửa người bên trái. Phát hiện sự việc, người nhà đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu lập tức.
30 phút sau khi đã vào Bệnh viện Thống Nhất, các bác sĩ thăm khám và nhận định bệnh nhân bị đột quỵ cấp. Bệnh nhân tiếp tục được ekip Nội thần kinh kiểm tra, chụp CT scan sọ não, ghi nhận có tình trạng liệt nửa người, không xuất huyết nhu mô não.
Dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp mạch máu não, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân từng có tình trạng hẹp động mạch cảnh trong trước đây nhưng không phát hiện, dẫn đến bị tắc cả động mạch cảnh trong bên phải và động mạch giữa não. Hội chẩn khẩn, ekip điều trị quyết định sẽ can thiệp mạch máu não cho bà H.
11h40 cùng ngày, việc can thiệp nội mạch cho bệnh nhân được triển khai và kết thúc trong 50 phút. Hậu can thiệp, bệnh nhân tỉnh, sức cơ hồi phục 5/5. Một tháng sau, bệnh nhân tiếp tục được đặt stent can thiệp hẹp động mạch cảnh và sức khỏe dần phục hồi.
Trường hợp thứ hai là người đàn ông tên T.V.V. (47 tuổi). Trước khi nhập viện khoảng 1 tiếng, bệnh nhân đang ăn trưa đột ngột đổ gục xuống. Tại Bệnh viện Thống Nhất, ekip trực cấp cứu phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ cấp, liệt nửa người bên phải, mất ngôn ngữ…
Bệnh nhân được chụp CT scan sọ não, ghi nhận không xuất huyết nhu mô não. Tiếp tục chụp CT mạch máu, người đàn ông được phát hiện tắc động mạch cảnh ở não.
Sau khi kết thúc 75 phút can thiệp mạch não cấp cứu, hút huyết khối và nong bóng mạch não, bệnh nhân tỉnh, sức cơ phục hồi, còn nói ú ớ.
Trải qua 1 tháng điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đi lại bình thường, hỏi trả lời chính xác câu ngắn.
Bệnh nhân thứ 3 là ông T.P. (54 tuổi), nhập viện vào 19h tối, với bệnh sử bất ngờ yếu nửa người bên trái vào 5 giờ trước.
Cách thời điểm trên 10 tháng, bệnh nhân từng có tiền căn bị tai biến mạch máu não.
Tại bệnh viện, qua chụp DSA, bệnh nhân được chẩn đoán bị tổn thương hẹp khít cuối động mạch cảnh. Ông P. được can thiệp nong bóng và đặt stent nội sọ, dùng các thuốc hạ mỡ máu, thuốc dự phòng huyết khối… Sau can thiệp, sức cơ dần phục hồi.
Một trường hợp khác là ông D.T.M. (54 tuổi), bị chóng mặt, nôn ói 30 phút rồi đột ngột mê, liệt nửa người, rối loạn vận ngôn. Bệnh nhân cũng được nong bóng, đặt stent và can thiệp nội mạch tái thông để điều trị đột quỵ nhồi máu não. Sau 2 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.
Các biến chứng có thể xảy ra khi can thiệp nội mạch
Theo bác sĩ Yên, lấy huyết khối cơ học trong can thiệp nội mạch để tái thông mạch máu não là thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Trong đó, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nội soi huỳnh quang, đưa dụng cụ trong lòng động mạch đến và lấy cục máu đông ra.
Ưu điểm của phương pháp này giúp bệnh nhân ít đau, thời gian nằm viện và hồi phục ngắn. Tuy nhiên, cần chú ý các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình can thiệp, như chảy máu nội sọ, di chuyển huyết khối, rách thành mạch, biến chứng tại chỗ chọc động mạch, tái tắc sau can thiệp lấy huyết khối.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, điều trị hậu can thiệp, bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi bệnh viện, phù não ác tính, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ và các biến chứng do nằm lâu.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. Tuy nhiên, số bệnh nhân đến viện trong thời gian vàng 6 giờ đầu vẫn còn hạn chế.
Đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể thời gian, không gian nào và ngày càng trẻ hóa. Nếu không được can thiệp kịp thời, di chứng của đột quỵ để lại nặng nề, khiến người bệnh tàn phế, liệt, nằm trên giường bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ, yếu liệt tay chân, méo miệng, co giật, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức, người thân cần đưa đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu và kịp thời.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Công tác chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Thống Nhất khá đặc biệt, khi cùng lúc triển khai được cả 2 nhánh. Thứ nhất, là thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến theo chương trình của Bộ Y tế. Thứ hai, phối hợp triển khai rất hiệu quả việc chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Năm 2022, Bệnh viện Thống Nhất đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho 5 bệnh viện và 7 ban bảo vệ sức khỏe cán bộ các tỉnh, với 1.227 bệnh nhân được điều trị, 48 bệnh nhân được phẫu thuật. Trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện đã tổ chức được 23 chương trình Telehealth kết nối với 30 đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện tuyến dưới, ban bảo vệ sức khỏe cán bộ các tỉnh tăng cường phối hợp, hợp tác với Bệnh viện Thống Nhất trong đào tạo chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, hội chẩn từ xa, phối hợp chuyển tuyến vào tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân điều trị đúng chuyên môn, đảm bảo giờ vàng.