Nhiều mẫu nước uống đóng bình không đạt

Gần 40% mẫu nước uống đóng bình ở TP.HCM không đạt chuẩn.

“Kết quả kiểm tra năm 2015 cho thấy vẫn còn nhiều mẫu nước uống đóng bình trên địa bàn TP.HCM nhiễm vi sinh và lý hóa. Hiện đang là mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước uống đóng bình tăng cao. Do vậy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM tiếp tục kiểm tra hoạt động sản xuất nước uống đóng bình để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng” – ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, nói.

Cặn đóng từng lớp

Đưa tay chỉ lớp cặn lắng dưới đáy bình, bà Hoa (Bình Thạnh, TP.HCM) ngao ngán: “Nhà tôi hay dùng nước uống đóng bình hiệu T (loại 21 lít) được sản xuất tại cơ sở ớ Thủ Đức (TP.HCM) với giá 7.000 đồng/bình. Mới đây, tôi tá hóa khi phát hiện cặn đóng từng lớp dưới đáy bình. Do bình nước đã sử dụng nên tôi không thể yêu cầu cơ sở bồi thường. Ngay sau đó tôi đổi sang sử dụng nước uống đóng bình của cơ sở khác”.

Tương tự, sau khi dùng hết nước uống đóng bình hiệu N của một cơ sở ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), ông Thành (quận 12, TP.HCM) ngã ngửa khi thấy đáy bình đọng lớp cặn dày. “Nước uống đóng bình này tôi mua tại tiệm tạp hóa kế bên, giá 7.500 đồng/bình. Nhiều lúc uống tôi thấy có vị lạ nhưng cũng không chú trọng mấy, đến khi tận mắt phát hiện cặn đóng đáy bình tôi mới thực sự ớn. Tôi đã quyết định chuyển sang sử dụng nước uống đóng bình của một nhãn hiệu mới” – ông Thành kể.

Cơ quan chức năng đang lấy một mẫu nước uống đóng bình để xét nghiệm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Cơ quan chức năng đang lấy một mẫu nước uống đóng bình để xét nghiệm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thiết bị cũ kỹ, súc rửa sơ sài

Pháp Luật TP.HCM từng thâm nhập một số cơ sở sản xuất nước uống đóng bình và ghi nhận không ít cơ sở sử dụng trang thiết bị cũ kỹ, rỉ sét. Có cơ sở chỉ xử lý nguồn nước qua loa rồi chiết thẳng vô bình. Cũng có cơ sở chỉ súc rửa bình nước sơ sài nên nguy cơ đất, bụi bám dưới đáy bình rất dễ xảy ra. Không chỉ vậy, hầu như số người lao động tham gia sản xuất nước đóng bình không được trang bị đồ bảo hộ lao động. Khá nhiều cơ sở không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết theo quy định nếu sử dụng nước giếng để sản xuất nước uống đóng bình thì bước đầu phải kiểm định 14 chỉ tiêu lý hóa, vi sinh. Bước tiếp theo, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc thì phải đảm bảo 28 chỉ tiêu trước khi chiết vào bình. “Tuy nhiên, vẫn còn cơ sở sản xuất nước uống đóng bình không thực hiện đầy đủ quy định trên, ảnh hưởng đến chất lượng nước uống” – ThS-BS Mai nêu quan điểm.

Nhiều cơ sở nằm trong “bảng phong thần”

Theo ông Trần Văn Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, trong năm 2015 chi cục lấy ngẫu nhiên 16 mẫu nước uống đóng bình trên địa bàn TP.HCM xét nghiệm. Kết quả bốn mẫu không đạt các chỉ tiêu lý, hóa (hàm lượng đồng, chì, clo… vượt mức cho phép) và hai mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh (E.coli, coliform…), chiếm gần 40%.

Trong năm 2015, Chi cục ATVSTP TP.HCM phạt nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình vi phạm. Điển hình là Công ty TNHH SX-TM Tân Vĩnh Khang (229 Bãi Sậy, phường 4, quận 6) bị phạt với số tiền lên tới 65 triệu đồng. Công ty này vi phạm các quy định về điều kiện bảo đảm ATVSTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, công bố sản phẩm.

Chi nhánh Công ty TNHH SX-TM Vĩnh Phước (515 An Dương Vương, phường An Lạc A, Bình Tân) cũng bị phạt hơn 64 triệu đồng. Cơ sở trên vi phạm các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, điều kiện bảo đảm ATVSTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP. Cơ sở này còn vi phạm quy định về công bố sản phẩm, kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, do vi phạm các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, công bố sản phẩm, Công ty TNHH SX-TM Hương Giang (57 đường 4B, khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) bị phạt trên 51 triệu đồng…

Hiện trên địa bàn TP.HCM có 518 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng bình, nước khoáng thiên nhiên đóng chai. Trong năm 2015, Chi cục ATVSTP TP.HCM phát hiện 128 cơ sở vi phạm các điều kiện ATVSTP và đã xử lý 73 cơ sở. Chi cục ra quyết định phạt 58 cơ sở với tổng số tiền trên 451 triệu đồng, 15 cơ sở còn lại đang được xử lý.

Các vi phạm chủ yếu bao gồm điều kiện sức khỏe, vệ sinh cơ sở, trang thiết bị và dụng cụ, ATVSTP trong quá trình sản xuất, công bố sản phẩm…

Ông TRẦN VĂN VIỆT, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM.

Theo Trần Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm