1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều “lỗi” trong tiêm chủng cần khắc phục!

(Dân trí) - Đã phát hiện nhiều lỗi khi kiểm tra gần 1/3 số điểm chủng trên toàn quốc. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, tất cả các điểm tiêm chủng đều phải được thanh kiểm tra, nếu đủ điều kiện mới được phép tiêm chủng, còn kiểm tra chưa đạt, chưa được phép tiêm!

Đó là quyết tâm của ngành y tế sau quyết định dừng 5 tháng tiêm chủng vắc xin Quinvaxem do một loạt các phản ứng liên quan đến vắc xin này. Tại  Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng diễn ra ngày 27/9, với sự chủ trì của Bộ Y tế và tham gia của đại diện 63 tỉnh, thành phố, nữ Bộ trưởng kiên quyết phải thực hiện cho được an toàn tiêm chủng, tăng cường giám sát để giảm tai biến.
 
Chỉ 70-80% điểm tiêm chủng đủ tiêu chuẩn

Chỉ 70-80% điểm tiêm chủng đủ tiêu chuẩn
 
TPHCM: 85% số điểm tiêm chủng chưa đạt điều kiện về an toàn tiêm chủng

Ông Nguyễn Văn Bình Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong tháng 8, tháng 9 ngành y tế đã thanh tra, kiểm tra được hơn 6.600 điểm tiêm chủng trong tổng số gần 17.000 điểm tiêm trên toàn quốc. “Tiến độ kiểm tra còn chậm, mới đạt gần 50%, trong khi quy định là phải đạt 100% trước khi tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem. Vì thế, trong tháng 9, tháng 10 công tác thanh kiểm tra sẽ được tiếp tục, đảm bảo 100% các điểm tiêm được kiểm tra. Nếu điểm tiêm nào chưa đạt yêu cầu kiên quyết không được thực hiện tiêm chủng. Từ nay đến cuối năm, số trẻ tiêm chủng tăng cao gấp khoảng 3 lần bình thường thì việc kiểm tra là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo an toàn tiêm chủng”.

Trong tổng số các điểm tiêm chủng được kiểm tra, chỉ khoảng 70 - 80% điểm tiêm đủ tiêu chuẩn tiêm. Những tồn tại phổ biến nhất là điểm tiêm chật hẹp, không đủ điều kiện để thực hành quy trình TC 1 chiều; một số trạm y tế chưa nắm rõ số trẻ và thời gian tổ chức buổi tiêm; sắp xếp, bố trí điểm TC chưa hợp lý; nhiều cán bộ chưa được tập huấn lại.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, những tồn tại ở các điểm tiêm chủng là rất đáng lo ngại trong thực hiện an toàn tiêm chủng. Kết quả kiểm tra 60 điểm tiêm chủng ở một số xã, khoa sản và điểm tiêm dịch vụ mới đây cho thấy còn tới 85% số điểm tiêm chủng chưa đạt điều kiện về an toàn tiêm chủng.

Lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh cũng đồng tình với quan điểm của Bộ Y tế, nơi nào không đủ điều kiện thì không tiến hành tiêm chủng. Việc tiêm chủng chỉ được thực hiện khi đã khắc phục được những vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn mang tính khách quan được chỉ ra, đó là tủ bảo quản vắc xin được trang bị đã lâu, thường xuyên phải sửa chữa, thay thế phụ tùng…

Tại hội nghị, GS Trịnh Quân Huấn, Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế thẳng thắn phát biểu: “Báo cáo quá trình thanh, kiểm tra công tác an toàn TC cần tránh làm theo kiểu “vở sạch, chữ đẹp”, chỉ nêu tồn tại chung chung. Nghĩa là, cần phải công bố trước các phương tiện thông tin đại chúng đích danh địa phương, đơn vị chưa đảm bảo công tác an toàn TC để các đồng chí lãnh đạo các UBND biết và có trách nhiệm với dân hơn”.
 
Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng
Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng

Chưa đạt chưa được phép tiêm chủng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, các địa phương cần tiến hành thanh tra toàn diện, sau đó có tổng kết khen thưởng những điểm tiêm, những cán bộ thực hiện tốt và xử lý những điểm tiêm, cán bộ chưa thực hiện tốt. Việc kiểm tra tại mỗi điểm, mỗi bàn tiêm, điểm tiêm bệnh viện… cần phải làm tốt để hạn chế những tai biến đáng tiếc.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về tiêm chủng. Bên cạnh đó cũng đặc biệt lưu ý đến quy trình và công tác tập huấn cho cán bộ y tế tham gia tiêm chủng. Bà Tiến cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các địa phương trong việc bảo đảm an toàn cho công tác tiêm chủng. “Ngành y tế đảm trách vấn đề chuyên môn kỹ thuật, còn lãnh đạo các cấp ở địa phương cần vào cuộc cùng để quản lý, giám sát, đôn đốc”, bà Tiến nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho rằng, cần công khai các điểm tiêm chủng làm tốt và chưa tốt để lãnh đạo địa phương phải có trách nhiệm với dân. Ông Huấn cũng cho  rằng, ngoài việc tổ chức chiến dịch thanh, kiểm tra như hiện nay thì các địa phương, ngành y tế còn cần làm tốt công tác hậu kiểm. Tiếp tục hoạt động giám sát công tác an toàn TC từ TƯ xuống địa phương và phải giám sát tất cả các buổi tiêm chủng. Việc xử lý tai biến tại địa phương cũng cần triển khai tốt hơn và cần vào cuộc ngay khi tai biến mới xảy ra.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Sau đợt tổng kiểm tra này Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá, khen thưởng, nơi nào chưa đạt sẽ chỉ đích danh và kiên quyết chưa đạt chưa được phép tiêm chủng. Qua kiểm tra thấy yếu nhất là khoa sản sơ sinh của bệnh viện (nơi thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B, vắc xin lao) cho trẻ, vì thế, cần giao trách nhiệm cụ thể cho gám đốc các bệnh viện, trưởng khoa sản, nhi…”.

Chia sẻ về tổ chức buổi tiêm chủng cho 50 trẻ, TS Nguyễn Văn Bình tảy tỏ lo lắng về việc thực hiện. Bởi trước đây, mỗi xã thường chỉ tổ chức 1 điểm tiêm vào 1 ngày trong tháng nên số lượng trẻ tại các điểm tiêm thường rất đông, có nhiều nơi lên đến hàng trăm cháu/buổi tiêm khiến việc khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm còn hạn chế. Với quy định mới, việc khám sàng lọc sẽ kỹ càng hơn, theo dõi sau tiêm tốt hơn, nhưng việc tăng buổi tiêm cũng rất khó khăn cho các địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế kiên quyết thực hiện và cũng yêu cầu tại thời điểm tiêm chủng, mỗi huyện cần bố trí 3-5 đội cấp cứu lưu động với đầy đủ trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố sau tiêm vắc- xin.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm