Nhiều “giờ bay” đã tạo nên tay nghề vàng bác sĩ Việt!

(Dân trí) - Là một trong những bác sĩ đầu ngành trong can thiệp tim mạch, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Viện tim Hà Nội tự hào vì bệnh nhân người Việt rất ít khi ra nước ngoài thực hiện can thiệp tim mạch. Không chỉ vì chi phí nước ngoài đắt đỏ hơn hàng chục lần, mà bởi trình độ bác sĩ Việt đến các thầy quốc tế cũng phải nể phục.

“Hoàn cảnh tạo anh hùng”!

Nói về can thiệp tim mạch tại Việt Nam, TS Tuấn cho rằng, trình độ của bác sĩ Việt Nam không thua kém bất cứ bác sĩ tại Trung tâm tim mạch nào trên thế giới. “Ngay cả những người thầy nước ngoài khi về Việt Nam cũng ngạc nhiên, tự hào, vì thấy trò giỏi quá. Nhưng chúng tôi vẫn đùa rằng, “hoàn cảnh tạo anh hùng”, “giờ bay” của bác sĩ Việt nhiều hơn nên tay nghề mình được nâng cao chứ không phải mình giỏi hơn thầy, bởi các bác sĩ nước ngoài được đào tạo rất bài bản. Tuy nhiên, bác sĩ Việt Nam lại có lợi thế, trong chính những khó khăn của mình lại ló ra được những cái khôn, để mình phải làm hơn cả những cái mà người khác có thể làm được để cứu người bệnh. Đó là cách chúng tôi tạo động lực để mình phát triển, nâng cao tay nghề”, PGS Tuấn nói.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (người mặc áo xanh nhạt) trong một ca can thiệp tim mạch cho người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (người mặc áo xanh nhạt) trong một ca can thiệp tim mạch cho người bệnh.

PGS Tuấn chia sẻ thêm, một bác sĩ Trung tâm tim mạch của các nước tiên tiến chỉ can thiệp 200 - 300 ca mỗi năm, thì tại Việt Nam, bác sĩ có thể phải trải qua cả nghìn ca can thiệp do bác sĩ thiếu, bệnh nhân đông. “Do số lượng ca bệnh mình làm nhiều hơn, “giờ bay” của mình nhiều hơn, các cụ nói rồi, trăm hay không bằng tay quen, lại thêm áp lực của người bệnh Việt rất sợ mổ, họ chỉ muốn can thiệp cho nhẹ nhàng đã tạo nên sức ép để bác sĩ nỗ lực rất nhiều, từ những ca lẽ ra phải mổ buộc phải can thiệp vì người bệnh. Những yếu tố ấy đã giúp cho bác sĩ Việt Nam có kinh nghiệm vượt trội”, TS Tuấn chia sẻ.

Tại các nước láng giềng như Thái Lan, chi phí một ca can thiệp tim mạch cao gấp 3 lần Việt Nam. Hay Singapore, 1 ca can thiệp tim mạch hàng vài chục nghìn đô la. Nhưng tại Việt Nam, người bệnh vẫn được hưởng lợi bởi chi phí thấp. Chính vì vậy, không chỉ TS Tuấn, mà nhiều bác sĩ chuyên ngành tim mạch rất tự hào bởi không có nhiều bệnh nhân VN sang nước ngoài điều trị tim mạch, mạch vành. Người bệnh chọn Việt Nam không chỉ chi phí rẻ, mà trình độ của bác sĩ Việt không thua kém, thậm chí vượt trội.

BV tự chủ tài chính – bệnh nhân không còn phải ăn “cơm tù”

Theo PGS Tuấn, Chính phủ đã làm rất tốt vấn đề liên quan bảo hiểm, thay vì bao cấp cho bệnh viện thì chuyển vào bảo hiểm để người dân được hưởng lợi ích đó, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo. Các BV tự chủ về tài chính như viện tim Hà Nội, không còn bao cấp, bệnh viện phải tự hoạch toán, năng động phát triển để làm sao có được bệnh nhân.

BV Tim Hà Nội là BV đầu tiên của thủ đô tự chủ về tài chính và đã bước sang năm thứ 10. Theo TS Tuấn, tự chủ đã là tác nhân “châm ngòi” một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện. Bệnh nhân sẽ không còn phải ăn “cơm tù” nữa. Họ lựa chọn quán cơm nào ngon, chất lượng, giá cả lại hợp lý, rẻ nhất ăn.

Mỗi bệnh nhân đến BV không chỉ vấn đề chuyên môn mà còn cần dịch vụ tốt để tăng sự hài lòng của người bệnh. Khi các bệnh viện tự chủ về tài chính là nền tảng quan trọng để các bệnh viện thay đổi, khi đó người bệnh sẽ được hưởng lợi nhất. “Thay đổi ở đây, cả về chất lượng dịch vụ và văn hóa ứng xử. Khi đã tự chủ tài chính, làm gì có quan điểm xin cho mà là phục vụ. Bệnh nhân là người nuôi bệnh viện, nuôi thầy thuốc, bác sĩ phải phục vụ lại khách hàng của mình”, TS Tuấn phân tích.

“Cơ chế tự chủ tài chính phá hủy hết tất cả những rào cản để ngành y tế phát triển. Không có bệnh nhân, chúng ta sẽ không có tiền mua xăng, đi chợ”, PGS Tuấn nói thêm.

Viện tim là mô hình đặc thù, tự chủ tài chính rất thành công, tạo tiếng vang không chỉ Hà Nội mà phạm vi toàn quốc. TS Tuân cũng cho rằng trong tương lai, vấn đề kinh tế y tế hết sức quan trọng, tự chủ tài chính không thể không triển khai. Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã đưa ra lộ trình thực hiện vấn đề tự chủ tại chính của các bệnh viện. Là một đại biểu được Hà Nội chọn vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội tại Thành phố Hà Nội, TS Tuấn cho biết ông sẽ tận dụng những kinh nghiệm có tại Viện Tim Hà Nội, đóng góp thiết thực cho các cơ quan chức năng cho vấn đề triển khai dịch vụ tài chính không riêng Hà Nội mà trong toàn quốc để đem lại quyền được chăm sóc, được phục vụ đúng nghĩa cho người bệnh.

Khi được hỏi, một bác sĩ sẽ thấy trọng trách như thế nào khi trở thành một đại biểu quốc hội? TS Tuấn cho biết, với riêng bản thân ông, khi được cử tri, người dân tin tưởng, ông thấy trọng trách rất lớn, quan trọng nhất, đó là mang lại những tiện ích người dân họ mong muốn, đặc biệt trong chăm sóc y tế. Theo TS Tuấn, ông đặc biệt quan tâm đến y tế quận huyện, xã phường bởi đây là tuyến đầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Vị bác sĩ này hi vọng sẽ có những đóng góp để có thể quản lý các bệnh mãn tính ngay tại cộng đồng, tuyến xã phường để đỡ vất vả cho người bệnh, do tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính trong cộng đồng rất cao.

Không để người bệnh chết vì không có tiền!

TS Tuấn chia sẻ, với cá nhân ông, nhìn thấy thẻ BHYT như một chiếc phao cứu sinh của người bệnh bởi chỉ mất một ít chi phí mua thẻ, họ được “bảo lãnh” điều trị. Tại BV Tim Hà Nội gặp không ít tình huống người bệnh không thể chi trả cho ca phẫu thuật, can thiệp tim mạch bởi không có BHYT.


PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (bên phải) và PGS.TS Phạm Mạnh Hùng tại lễ vinh danh giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y dược năm 2010, với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (bên phải) và PGS.TS Phạm Mạnh Hùng tại lễ vinh danh giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y dược năm 2010, với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông".

Gặp những tình huống này, bệnh nhân khổ, bác sĩ cũng đau đầu nhưng chúng tôi luôn xác định không để người bệnh chết vì không có tiền. Trong y tế, cứu người như cứu hỏa. Chúng tôi vẫn ví, với bác sĩ chúng tôi, cứu bệnh nhân trong nhiều tình huống như cuộc chạy đua trên đường cao tốc. Bởi nếu không chạy đua không cứu được người bệnh, chỉ chờ đợi một vài phút có thể trả giá bằng tính mạng người bệnh nên phải cứu chữa trước, vấn đề tài chính tìm cách tháo gỡ sau.

Theo TS Tuấn, ngoài nguồn ủng hộ từ bệnh viện rất may mắn, có nhiều đơn vị đồng hành cùng BV để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. "Quỹ Nhân Ái của Báo Dân trí cũng là một địa chỉ để chúng tôi “gửi gắm” khi gặp những tình huống bệnh nhân nghèo cần giúp đỡ và thực tế Quỹ đã giúp biết bao bệnh nhân thoát cửa tử, trở về cuộc sống từ sự kêu gọi những tấm lòng nhân ái", TS Tuấn nói.

BV Tim Hà Nội là BV đầu tiên của Hà Nội được Bộ Y tế giao làm BV hạt nhân. Hiện Viện Tim Hà Nội hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho 34 tỉnh thành tại Việt Nam với gần 50 bệnh viện, gồm cả bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tỉnh và bệnh viện ngành như: Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, bệnh viện Quân Y 108, 103 và nhiều BV tỉnh phía Bắc.

Hồng Hải