Nhiều cơ sở y tế địa phương không thể chống chịu gió bão
(Dân trí) - Khi có bão vào Việt Nam, ngoài những thiệt hại về người, cơ sở vật chất, bão còn gây ảnh hưởng nặng nề cho hệ thống y tế nhiều địa phương, làm hạn chế khả năng cứu chữa kịp thời cho người bị thương, khắc phục môi trường sau thiên tai.
Đó là đánh giá được đưa ra tại buổi mít tinh hưởng ứng ngày Giảm nhẹ thiên tai thế giới do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam đã có 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Mưa bão làm trên 170 người chết tại các tỉnh miền núi phía Bắc, thiệt hại vật chất trên 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống y tế nhiều địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề, làm hạn chế khả năng cứu chữa kịp thời cho người bị thương, khắc phục môi trường sau thiên tai.
Vì thế, khả năng thu dung, cấp cứu bệnh nhân trong thảm họa, thiên tai của các bệnh viện tỉnh chỉ khoảng 50 - 100 người, chưa kể công tác sơ cứu, phân loại tại hiện trường. Vì vậy, công tác đảm bảo các cơ sở y tế thiết yếu đang trở thành một trong những nội dung cần được chú trọng của Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.
Tại buổi mitting, ông Jean Marc Ô-li-vê, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định: "Hiện tại ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xây dựng cơ sở y tế chống chịu gió bão".
TS Jean Marc Ô-li-vê cho rằng, có thể giảm thiểu được tác động của thiên tai đối với các cơ sở y tế nếu chúng được xây ở một khu đất cao hơn, theo các tiêu chuẩn thiết kế chống chịu được gió bão.
Hồng Hải