Nhiều cơ quan tố tụng “nợ” Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng tiền điều trị
(Dân trí) - “Cần có thông tư liên Bộ quy định rõ tổ chức nào thanh toán tiền viện phí khi đưa bệnh nhân tâm thần gây án đến điều trị”, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng nói.
Bác sĩ Ngọc cho biết, theo nghị định 64/2011-NĐCP quy định 3 cơ sở điều trị bệnh nhân bắt buộc (bệnh nhân tâm thần gây án), trong đó, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phụ trách điều trị cho các bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tuy nhiên, nghị định không quy định rõ khi các tỉnh đưa bệnh nhân tâm thần gây án đến điều trị thì ai sẽ là người thanh toán tiền điều trị, tiền ăn cho bệnh nhân.
“Điều 4 của nghị định 64/2011-NĐCP quy định kinh phí đảm bảo cho việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp, chứ không biết là ai cấp. Vì vậy, khi các cơ quan tố tụng đưa các bệnh nhân tâm thần đến bệnh viện điều trị, họ nói không có quy định nên họ không nộp. Nhiều lần bệnh viện đã gửi văn bản cho các cơ quan đưa bệnh nhân tới nhưng họ không chịu, cũng có đơn vị nộp nhưng có đơn vị nói bây giờ chưa có quy định nên không nộp thì bệnh viện không làm gì được”, bác sĩ Ngọc cho hay.
Trong nhiều năm vừa qua, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phải sử dụng ngân sách thành phố để chi trả tiền điều trị cho các bệnh nhân ở các tỉnh khác.
Theo bác sĩ Ngọc, bây giờ cái cần thiết là phải có một thông tư liên Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội, Bộ Công an. 4 Bộ đó phải ngồi lại với nhau để xác định rõ trách nhiệm khi mà đưa bệnh nhân tới, ai là người nộp tiền. Ví dụ như công an đưa tới thì công an sẽ nộp, tòa án đưa tới tòa án sẽ nộp, viện kiểm sát đưa tới viện kiểm sát sẽ nộp.
Số liệu thống kê của bệnh viện cho thấy, trong năm 2014, bệnh viện điều trị cho 36 người bị bắt buộc chữa bệnh với kinh phí điều trị là 384 triệu đồng. Năm 2015 bệnh cũng tiếp nhận thêm 22 người bị bắt buộc chữa bệnh.
Khánh Hồng