Nhiều bệnh viện “khát” nhân lực kỹ thuật y sinh

(Dân trí) - “Thiếu trầm trọng cán bộ có chuyên ngành kỹ thuật y sinh”. Đó là nhận xét của ông Hà Đắc Biên- Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trang thiết bị y tế (TBYT) Việt Nam khi bàn về vấn đề nhân lực trong lĩnh vực này.

Theo ông Biên, xu thế phát triển của y học nói chung là y học kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện những người trong cuộc mới chỉ quan tâm đến vấn đề chẩn đoán và điều trị bệnh. Còn vấn đề nhân lực trong ngành kỹ thuật y sinh thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong khi những TBYT hiện đại hiện đang hỗ trợ các giáo sư, bác sĩ rất nhiều trong thời gian qua. Thực trạng đang diễn ra ở không ít bệnh viện địa phương là máy móc hiện đại nằm chờ người biết sử dụng hoặc do năng lực của cán bộ kỹ thuật chưa đủ nên không khai thác hết chức năng của thiết bị. Nhiều bệnh viện thừa nhận đang thiếu nghiêm trọng cán bộ kỹ thuật TBYT có trình độ cao chuyên ngành kỹ thuật y sinh.

Trước thực trạng này, vừa qua Viện Vật lý (thuộc Viện KH & CN quân sự- Bộ Quốc phòng) và Hội TTBYT VN đã tổ chức khoá đào tạo thạc sĩ chuyên ngành vật lý kỹ thuật y sinh học đầu tiên tại Việt Nam dành cho các kỹ thuật viên của các bệnh viện, các Cty trang thiết bị y tế. Mục tiêu của chương trình là khá mới, đó là đào tạo ra những người có đủ khả năng để quyết định hoặc tư vấn cho lãnh đạo các vấn đề như: với nguồn kinh phí hiện có, chúng ta nên trang bị những thiết bị nào? thế hệ công nghệ ra sao? cần những nhân lực chuyên môn gì? và những điều kiện hậu cần thế nào? thực hiện kiểm chuẩn ra sao để có thể đạt hiệu quả đầu tư cao nhất….
 
Chương trình cũng đào tạo một ngành chuyên sâu mới, phục vụ cho việc phát triển y học theo hướng kỹ thuật, cũng như phát triển vật lý theo hướng ứng dụng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong hợp tác quốc tế ở trình độ cao... Sau tốt nghiệp, học viên sẽ có đủ trình độ chuyên môn để đảm đương công việc: đào tạo, quản lý, tham gia hoạch định các dự án đầu tư, tổ chức khai thác sử dụng, chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh TTBYT với chất lượng cao. Dự kiến có khoảng 20 kỹ sư được đào đào đến hết năm 2011. Theo đánh giá, đây sẽ là một bước đột phá của ngành y tế giúp dần cải thiện tình trạng thừa máy móc thiếu nhân lực như hiện nay. 

P. Thanh