Nhiều bệnh nhân đứng trước “cửa tử” được cứu nhờ ghép tế bào gốc

(Dân trí) - Năm 2012, cuộc sống ngỡ tưởng đóng cửa với cô gái 8x Nguyễn Thanh Hương (Bắc Giang) khi cô được chẩn đoán ung thư máu. Sau hơn 1 năm gắn với kim, truyền, bệnh nhân tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao bởi mắc thể ung thư máu nặng. Nhưng cuối cùng, nhờ được ghép tế bào gốc, cô đã “lội ngược dòng” từ chỗ đe dọa cửa tử đến một cuộc sống khỏe mạnh.

Thanh Hương bắt đầu điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ năm 2012 với chẩn đoán là lơ - xê - mi cấp dòng tủy (ung thư máu). Bệnh nhân lại nằm trong nhóm tiên lượng xấu, có nguy cơ tử vong cao. Việc điều trị chỉ mang tính duy trì, kéo dài sự sống. Muốn cứu sống bệnh nhân chỉ có duy nhất một phương pháp điều trị là tiến hành ghép Tế bào gốc và cũng may mắn cho bệnh nhân sau gần 1 năm điều trị, bệnh nhân Thanh Hương được các bác sỹ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ định ghép Tế bào gốc từ nguồn tế bào gốc được lấy từ người chị gái ruột.

Năm 2013, Thanh Hương được ghép tế bào gốc thành công. Từ cuộc sống gắn liền với bệnh viện với thân hình gầy gò, ốm yếu, dặt dẹo vì tiêm truyền hóa chất, tóc rụng, người gầy dơ xương đi còn không vững, không biết sẽ ra đi lúc nào, hiện sau 2 năm được ghép tế bào gốc, Thanh Hương khỏe mạnh, tự tin với công việc và cuộc sống. Gặp cô, không ai có thể nghĩ Hương đã từng là bệnh nhân đứng trước cửa tử vì căn bệnh ung thư máu quái ác.

Bệnh nhân Thanh Hương khỏe khắn sau khi được ghép tế bào gốc chữa ung thư máu. Ảnh: Vương Tuấn.
Bệnh nhân Thanh Hương khỏe khắn sau khi được ghép tế bào gốc chữa ung thư máu. Ảnh: Vương Tuấn.

Theo BSCKII Võ Thị Thanh Bình Trưởng khoa Ghép tế bào gốc (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) - người trực tiếp thực hiện ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Thanh Hương, điều quý giá của ghép tế bào gốc không chỉ chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân mà còn là bệnh nhân hoàn toàn có thể lập gia đình và sinh con. Điều này đã được minh chứng trên thực tế ở những nước có kinh nghiệm về ghép Tế bào gốc lâu năm.

Thanh Hương là một trong số nhiều bệnh nhân đã được ghép tế bào gốc chữa những căn bệnh hiểm nghèo tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương.

Ngày 16/5, tại Hội nghị tổng kết 10 năm ghép tế bào gốc, bác sỹ Bạch Quốc Khánh - Phó viện trưởng Viện huyết học-Truyền máu Trung ương cho hay, kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương vào tháng 11/2006, đến nay, sau 10 năm triển khai phương pháp ghép tế bào gốc, Viện huyết học-Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 204 ca ghép (trong đó 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loài), chiếm gần 50% tổng số ca ghép được thực hiện trên toàn quốc.


Bệnh nhân suy tủy xương Trần Ngọc Ánh được ghép tế bào gốc thành công, từ nguồn tủy cho là cô em gái 5 tuổi. Ảnh: T.T

Bệnh nhân suy tủy xương Trần Ngọc Ánh được ghép tế bào gốc thành công, từ nguồn tủy cho là cô em gái 5 tuổi. Ảnh: T.T

Theo TS Khánh, có được thành công này, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên y tế, thì việc ra đời của ngân hàng máu dây rốn cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Theo đó, từ tháng 9/2014 Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương đã phối hợp với BV Phụ sản Trung ương thu thập máu dây rốn từ những người phụ sản tình nguyện hiến. Đến nay, viện đã thu thập, xử lý và lưu trữ thành công 2.400 đơn vị máu dây rốn, trong đó có 2.050 đơn vị máu dây rốn cộng đồng đảm bảo chất lượng, đã sàng lọc các tác nhân truyền nhiễm, bệnh lý di truyền.

Tất cả các đơn vị máu dây rốn cộng đồng đều được xét nghiệm HLA độ phân giải cao với xác suất tìm được mẫu máu dây rốn phù hợp cao.

“Từ ca ghép tế bào gốc không cùng huyết thống sử dụng mẫu máu dây rốn cộng đồng vào tháng 12/2014 đến đầu năm 2016 Viện đã thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc cộng đồng, cho thấy các mẫu máu dây rốn từ ngân hàng có chất lượng và tiềm năng ứng dụng rất tốt, có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tế bào gốc đồng loại ngày một tăng cao”, TS Khánh nói.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, rõ ràng ghép tế bào gốc đã đem lại cho người bệnh một cuộc sống mới, có cơ hội khỏi bệnh. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với hầu hết bệnh nhân có chỉ định ghép tế bào gốc là chi phí lớn. Như với một ca ghép tế bào gốc tự thân khoảng 200 triệu đồng trong đó Quỹ bảo hiểm y tế chi trả khoảng 50%. Còn với ghép tế bào gốc đồng loại chi phí từ 600 – 800 triệu, trung bình người bệnh phải chuẩn bị số tiền khoảng 200- 300 triệu đồng, là số tiền không tưởng với các bệnh nhân là lao động, người làm nông...

Vì thế, bên cạnh việc mở rộng chỉ định được ghép tế bào gốc để cứu nhiều người bệnh, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đang tiếp tục nỗ lực làm việc với đơn vị chi trả BHYT để người bệnh được thanh toán tốt nhất, tạo cơ hội được chữa trị cho những người bệnh hiểm nghèo.

Hồng Hải