Nhiệt độ giảm, lượng người bị đột quỵ cao gấp đôi ngày thường
(Dân trí) - Trung bình mỗi ngày, một bệnh viện tại Hà Tĩnh tiếp nhận 15 đến 20 ca bị đột quỵ. Theo bác sĩ, nguyên nhân lớn là do thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm.
Ngày 5/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết thời gian qua, cơ sở y tế này tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ.
Theo thống kê, trong thời điểm nhiệt độ giảm sâu, trung bình mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận từ 15 đến 20 ca bị đột quỵ vào cấp cứu và điều trị. Con số này cao gấp đôi so với những ngày thường.
Điển hình như ngày 2/1, bệnh nhân M.X.M. (63 tuổi, trú phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) vào bệnh viện trong tình trạng nói khó, yếu tay, chân bên trái bị liệt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Chống độc chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não trên nền tăng huyết áp. Bệnh nhân này từng có tiền sử bị tai biến cách đây 4 năm về trước.
Một trường hợp khác trẻ tuổi hơn là bệnh nhân P.X.H. (33 tuổi, trú thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà). Người này đang trong lúc làm việc thì đột nhiên nhức đầu dữ dội, bủn rủn chân tay và ngã xuống. Sau khi tiếp nhận, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tai biến.
Đây là 2 trong nhiều trường hợp bị đột quỵ phải nhập viện cấp cứu trong những ngày gần đây.
Về nguyên nhân, bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Sỹ Trình - Phó trưởng Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) cho biết, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn tới cơ thể không kịp thích nghi khiến mạch máu bị co hẹp lại trong lòng mạch, huyết áp tăng cao, lưu lượng máu đến não bị giảm so với thông thường và xảy ra tình trạng đột quỵ.
Bên cạnh đó, nhiệt độ giảm sâu vào mùa đông làm cho độ nhớt máu tăng, máu dễ bị đông đặc tạo ra huyết khối, mạch tắc cứng khiến cho lượng máu đến não ứ đọng lại, để lâu dần sẽ bị đột quỵ nếu không được phát hiện kịp thời.
"Ngoài ra, nguyên nhân còn do thói quen ăn uống đồ không phù hợp và ít vận động, uống rượu, bia thường xuyên vào mùa đông. Điều này làm cho lượng cồn tồn đọng trong máu quá lâu gây ra huyết áp cao, lưu lượng máu tăng cao và độ kết dính của máu giảm, nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não cũng tăng theo", bác sĩ Trình thông tin.
Trên thực tế, những người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), người có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì là đối tượng có nguy cơ cao dễ bị đột quỵ.
Theo chuyên gia y tế, đột quỵ để lại hậu quả rất nặng nề. Các biến chứng liên quan đến tim, viêm phổi, nghẽn tĩnh mạch, sốt, đau, khó nuốt, co cứng chi, trầm cảm... Điều này khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, có thể sẽ bị khuyết tật tạm thời hoặc khuyết tật vĩnh viễn, để lại gánh nặng cho người thân, gia đình.
Để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ, chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh như: Không hút thuốc lá, không uống rượu, bia; tăng cường vận động thể dục - thể thao; giữ cân bằng trong cuộc sống và công việc nhằm tránh căng thẳng tâm lý; thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tối thiểu mỗi năm một lần…
Những người từng có tiền sử bị đột quỵ nên dùng thuốc kiểm soát tốt huyết áp, thuốc dự phòng đột quỵ. Người dân, nhất là người cao tuổi chủ động mặc ấm khi thời tiết chuyển lạnh. Khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, nôn, vận động yếu hoặc liệt, yếu chân tay, méo miệng, mất thăng bằng... cần vào ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Đối với bệnh nhân bị tai biến, sau khi xuất viện, người bệnh và gia đình cũng cần lưu tâm các yếu tố như: Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ nhóm vitamin, chất xơ và hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ; tích cực luyện tập tại nhà với các bài tập vận động nhẹ nhàng kết hợp với hít thở sâu.
Gia đình, người thân thường xuyên động viên, chia sẻ, khích lệ người bệnh là hành động giúp họ giữ được tinh thần lạc quan, tích cực, hạn chế nguy cơ lo âu, tự ti và trầm cảm.