1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiễm sán lá gan, giun lươn vì những món gỏi, rau sống bắt mắt

(Dân trí) - TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết gần đây gặp nhiều trường hợp bệnh bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá gan lớn, giun lươn được đưa đến viện khám. Có rất nhiều bệnh nhân đến viện với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, suy kiệt, tiêu chảy kéo dài rất nặng nề mà không tìm ra nguyên nhân.

Món ăn gây họa

BS Trà cho biết, một bệnh nhân nam (70 tuổi, Ý Yên, Nam Định) đang được điều trị tại khoa trong tình trạng áp xe gan do nhiễm sán lá gan.

TS Trà đang khám cho một bệnh nhân sán lá gan. Ảnh: M.T
TS Trà đang khám cho một bệnh nhân sán lá gan. Ảnh: M.T

Trước đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến viện trong tình trạng sốt cao và đau nhiều vùng gan được tuyến dưới chẩn đoán áp xe gan không rõ nguyên nhân.

Tại Khoa Truyền nhiễm, trước thể trạng một người già sốt cao, rét run, vùng gan rất đau, men gan cũng như xét nghiệm Bilirubin máu tăng cao, lại thêm khai thác thói quen ăn uống của người bệnh, các bác sĩ nghĩ nhiều đến nguy cơ nhiễm kí sinh trùng.

“Bệnh nhân sống ở vùng quê hay ăn những thức ăn chưa được nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống… và bản thân người bệnh cũng thường ăn những món này. Đúng như chẩn đoán đưa ra, kết quả xét nghiệm huyết thanh của bệnh nhân dương tính với sán lá gan. Như vậy bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan là do nhiễm sán lá gan”, TS Trà nói.

Hình ảnh sán ruột được lấy ra khỏi tá tràng một người bệnh, bơi tung tăng trong nước.
Hình ảnh sán ruột được lấy ra khỏi tá tràng một người bệnh, bơi tung tăng trong nước.

Đây chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân nhiễm kí sinh trùng được điều trị tại khoa từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của khoa Truyền nhiễm, từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2017, Khoa đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân nhiễm giun lươn trong các biểu hiện bệnh lý về tiêu hóa, phổi, ổ bụng…; nhiều bệnh nhân nhiễm kí sinh trùng khác, sán lá gan…

Mắc bệnh viêm màng não vì nhiễm giun đũa từ chuột

TS Hà cho biết thêm, gần đây bệnh lý viêm màng não do Angiostrongylus cantonesis (một loài giun đũa chuột gây nên), gây những bệnh cảnh nặng nề được cảnh báo.

Trong một nghiên cứu từ năm 2012 – 2015 và hiện là một đề tài nghiên cứu của Khoa kết hợp với một bác sĩ người Nhật thực hiện cho thấy những tổn thương về bệnh lý do giun đũa chuột tại Việt Nam gặp tương đối nhiều trong các bệnh nhân viêm màng não.

“Đặc biệt ở các bệnh nhân viêm màng não không tìm rõ căn nguyên, nguy cơ từ loài giun đũa chuột này được đánh giá là cao hơn”, TS Hà nói.

Ăn chín uống sôi để phòng bệnh

Theo TS Hà, trong khi tỉ lệ nhiễm kí sinh trùng gặp khá nhiều do thói quen vệ sinh, tập quán ăn uống, nhưng việc phát hiện bệnh nhân nhiễm kí sinh trùng còn nhiều khó khăn, không chỉ do biểu hiện dễ nhầm lẫn bệnh lý khác, mà một số bác sĩ ngay tại tuyến Trung ương cũng chưa có sự quan tâm đến những bệnh lý này.

Ví như trong một số trường hợp chẩn đoán viêm màng não hoặc một số bệnh chưa rõ căn nguyên, nếu bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý tiêu chảy kéo dài, có bệnh lý về áp xe gan thì nên sàng lọc để phát hiện các nguyên nhân do ký sinh trùng để có chẩn đoán và điều trị chính xác cho người bệnh.

Bởi đối với các bệnh lý do ký sinh trùng nếu không chẩn đoán đúng, việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng, gây kháng thuốc và tốn kém cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Ngược lại nếu chẩn đoán đúng thì việc điều trị nhiều khi lại rất đơn giản với chi phí không nhiều.

Để lại nhiều hậu quả cho sức khỏe, như sức khỏe suy kiệt, thiếu máu, thậm chí gây nguy hiểm do áp xe gan, nhiễm trùng... nhưng các bệnh lý do ký sinh trùng hoàn toàn có thể phòng ngừa.

TS Trà khuyến cáo người dân cần thực hiện tẩy giun định kỳ 1 năm 1 lần. Thức ăn phải đun sôi, nấu chín; Từ bỏ tập tục thói quen ăn gỏi, ăn tái, không ăn thức ăn sống, chưa được nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống…; Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thực phẩm, ăn uống...

Hồng Hải