Nhiễm HIV vẫn có con khoẻ mạnh, bình thường?

(Dân trí) - Chăm sóc và quản lý thai nghén sớm cùng với phác đồ điều trị thích hợp sẽ giúp những bệnh nhân nhiễm HIV có cơ hội sinh con khoẻ mạnh và không mang bệnh. Phóng viên báo KH&DT đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Tiến sĩ (TS) Nguyễn Viết Tiến (ảnh) - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ xung quanh những vấn đề này.

Gần 2.000 trẻ nhiễm HIV mỗi năm

 

Ước tính, mỗi năm Việt Nam có từ 1 đến 1,5 triệu phụ nữ mang thai thì có khoảng 6.000 người bị nhiễm HIV/AIDS và gần 2.000 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Tại bệnh viện Phụ sản TƯ, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện chiếm bao nhiêu % thưa bác sĩ?

 

Bệnh viện Phụ sản TƯ là nơi có số lượng sản phụ đến khám thai rất đông. Tuy nhiên, tỷ lệ người chấp nhận xét nghiệm HIV trong thời gian đầu của thai nghén vẫn còn thấp, tỷ lệ xét nghiệm HIV khi chuyển dạ vẫn còn quá cao, vì vậy khi phát hiện việc xử lý thai nghén cũng như sử dụng phác đồ ARV (có tác dụng làm giảm sự nhân lên của HIV trong cơ thể, tăng khả năng miễn dịch và giúp người nhiễm HIV/AIDS ít mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội) đã không phát huy được hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ nhiễm HIV có xu hướng gia tăng như hiện nay.

 

Hiện đã có Chương trình Hành động Quốc gia về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ nay đến năm 2010 là: giảm tỷ lệ lây truyền từ 30% tổng số ca sinh xuống còn 10%; 90% phụ nữ mang thai và tất cả phụ nữ nhiễm HIV được cung cấp các dịch vụ tư vấn và điều trị ; 100% các trường hợp xét nghiệm dương tính với HIV được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

 

Với những phụ nữ nhiễm HIV được phát hiện trong thời kỳ thai nghén sớm sẽ được chăm sóc và điều trị thế nào, thưa TS?

 

Những phụ nữ nhiễm HIV nếu được chăm sóc và quản lý thai nghén từ khi mới mang thai cùng với phác đồ điều trị thích hợp như dùng thuốc ARV sẽ góp phần hạ thấp tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con, cũng như kéo dài tuổi thọ. Vấn đề phòng tránh hoặc điều trị các bệnh lây qua đường tình dục khác như lậu, giang mai... trước và trong khi mang thai cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con.

 

Mẹ có HIV có được cho con bú?

 

Thời gian bú mẹ càng kéo dài, nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ càng cao. Chính vì vậy, con của những người mẹ nhiễm HIV vẫn nên bú mẹ nhưng cần được cai sữa sớm. Hiện, các nhà khoa học chưa xác định được thời điểm cho trẻ bú mà không có nguy cơ lây HIV. Vì vậy, nên ngừng cho bú ngay khi trẻ có nguồn sữa thay thế sữa mẹ (có thể bú nhờ các bà mẹ khỏe mạnh khác) hoặc khi bé bắt đầu ăn dặm.

 

Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn những bà mẹ có HIV chỉ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ngoài sữa mẹ, không cho trẻ ăn thêm bất cứ thức ăn, nước uống nào khác, vì những thức ăn bổ sung có thể gây viêm nhiễm đường ruột, tăng nguy cơ lây HIV. Khi bà mẹ bị nứt núm vú, viêm vú, áp xe vú hoặc trẻ bị viêm miệng, tưa miệng..., cần được xử trí kịp thời nhằm phòng và điều trị nhiễm khuẩn ở bà mẹ và trẻ.

 

Xin cảm ơn bác sĩ!

 

P. Thanh (thực hiện)