1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Nhẹ dạ" giữa canh ba

Sợ mập đang là "mốt". Ăn kiêng vì thế đang là "phong trào". Thường thì trong ngày không có vấn đề quá gay gắt với cảm giác thèm ăn nhờ công việc giúp đánh trống lảng nhưng "thức lâu mới biết đêm dài".

Cái khó chính là làm sao thắng nổi cảm giác đói khi chuông đồng hồ treo tường mới gõ có một tiếng?! Khó hơn nữa là không chỉ có một đêm! Chính vì thế mà hàng triệu người trên khắp năm châu đành chịu cảnh tiền mất vì ăn kiêng trong khi sức nặng của cơ thể cứ như mực thủy triều. Giảm được ít ký chưa đến vài ngày thì chưa đến hẹn đã vội lên...cân!

 

Tình trạng nói trên đương nhiên là đề tài nóng bỏng cho các nhà nghiên cứu trong nhiều ngành, từ tâm lý cho đến dinh dưỡng... Cơ chế của cơn thèm khát về đêm cũng không có gì quá phức tạp. Càng lắm stress thì tuyến thượng thận càng phải còng lưng kéo cày.

 

Khi đêm xuống rồi, khi hệ thần kinh đã mỏi mệt thì lượng nội tiết tố chống stress còn thừa sau một ngày căng thẳng sẽ tạo cảm giác đói, đặc biệt là thèm ngọt, vì cơ thể thiếu các hoạt chất có công năng tạo cảm giác thư giãn, như serotonin...

 

Người vừa phải nhịn ăn, lại thêm nhịn nhục đủ chuyện trong ngày sẽ khó cầm lòng khi đâu đó trong bếp còn miếng bánh kem béo ngậy. Một miếng mà nhằm nhò gì. Đúng, nhưng đâu dễ chỉ có một miếng. Ăn vụng bao giờ cũng có điểm tương đồng với ăn hối lộ. Dễ gì chịu ngưng!

 

Ăn vì đói thì trên nguyên tắc không có gì đáng nói. Điểm éo le cho người lỡ béo phì thì phần ăn trong đêm lại không được biến dưỡng theo hướng cung cấp năng lượng, vì người thức đêm để...ăn thường không có nhu cầu tiêu hao năng lượng cho công việc hay vận động.

 

Thêm vào đó, vì hệ nội tiết cũng nghỉ ngơi nên cơ thể có khuynh hướng để dành lương thực thực phẩm được tiếp tế ngoài giờ làm việc. Hậu quả làm người càng ăn khuya càng dễ mập, dù trên thực tế đã khổ nhiều chỉ vì muốn...ốm! Trớ trêu là thế!

 

Vấn đề tuy đúng là phức tạp nhưng vẫn còn vài phương pháp giải quyết đơn giản.

 

- Nên có nhiều bữa ăn nhỏ thay vì đợi đến đúng giờ mới nhập tiệc. Cần tránh cho bằng được cảm giác quá đói trong ngày vì cơ thể sẽ đợi thời cơ để "trả thù" vào lúc gần sáng

 

- Tránh ăn nhiều mỡ động vật trong ngày vì càng ăn béo thì đêm càng thèm ngọt do phản ứng sai lầm của hệ thần kinh từ tiến trình biến dưỡng chất béo một cách thái quá.

 

- Đừng ăn quá khuya. Ăn thong thả, nhai thật kỹ để tận dụng năng lượng của bữa ăn. Stress trong bữa ăn là đòn bẩy cho cảm giác đói cồn cào trong đêm.

 

- Nên chọn khẩu phần ăn ít béo, càng nhiều rau cải càng tốt nhưng đừng quên món tráng miệng ngọt ngào. Ngược lại, đừng ăn thêm chén chè sau 22 giờ vì cơ thể phải phản ứng và thường phản ứng quá lố, nghĩa là lại đói, lại thèm ngọt ít giờ sau.

 

- Đừng nhậu quắc cần câu vào buổi chiều vì lượng đường trong máu sẽ xuống thấp khi giã rượu. Khi đó sẽ khó tránh nổi cảm giác "có gì ăn nấy"!

 

- Nếu gặp khó khăn với giấc ngủ thì phải nhờ thầy thuốc tiếp sức để giải quyết cho xong vì hậu quả thường gặp nhất của tình trạng "nhàn cư vi bất thiện" trong đêm là ăn vặt. Vụng hay vặt đều có chung hậu quả.

 

- Nếu lỡ đóng vai chính trong bộ phim"ăn đêm" thì tìm cách vận động ngay để quân bình chi thu, vừa ăn khuya vừa xem truyền hình thì khỏi cân cũng biết thể trọng ra sao.

 

- Đừng để dành quá nhiều món hấp dẫn trong tủ lạnh vì sức người có hạn. Muốn mềm lòng cũng phải có lý do.

 

Biết là công dã tràng nếu cắn răng nhịn ăn suốt ngày để rồi bó tay trước nhu cầu cấp bách giữa đêm khuya. Khổ một điều là ăn vụng bao giờ cũng ngon. Thế mới kẹt!

 

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần