Nhậu nhiều - coi chừng hư khớp háng
Về khoản nhậu thì có lẽ dân Việt Nam là “Vô địch”. Nhậu mọi lúc mọi nơi và hậu quả thì cũng vô số kể. Một trong số đó là tình trạng hư khớp háng do hoại tử chỏm xương đùi.
Nguyên nhân và triệu chứng
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng chết của xương do thiếu máu nuôi. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 30 - 60, xảy ra ở cả 2 chỏm xương đùi với độ nặng khác nhau hay như nhau. Bệnh xảy ra do các bệnh lý gây tắc các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho chỏm xương đùi, ví dụ tắc mạch do các chất mỡ gây tắc mạch trên những bệnh nhân có tổn thương gan do rượu.
Nguyên nhân có thể chia làm 2 nhóm chính là có chấn thương hay không chấn thương. Nguyên nhân do chấn thương ví dụ như: té gãy cổ xương đùi, trật khớp háng… nguyên nhân không do chấn thương bao gồm: uống nhiều rượu, bia, dùng corticoide liều cao kéo dài, bệnh lý giảm áp như những người thợ lặn lặn sâu và trồi lên đột ngột, bệnh lý hồng cầu hình liềm, chạy tia xạ và có khoảng 25% không rõ nguyên nhân là gì.
Triệu chứng thường là có cơn đau khởi phát đột ngột mà có lẽ là do thiếu máu nuôi đột ngột. Tuy nhiên, bệnh nhân thường đã có tình trạng hoại tử chỏm trước đó. Cơn đau ngày càng nhiều khi xương chết làm xẹp chỏm xương đùi, đau khi đi đứng và giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau xuất phát từ bẹn lan xuống mặt trong đùi hoặc đôi khi cảm giác đau sau mông. Cơn đau làm hạn chế các vận động của khớp háng và khi khám thấy động tác xoay ngoài và xoay trong háng bị giảm trước. Đôi khi bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng gối và khiến cho nhiều bác sĩ chẩn đoán lầm.
Chẩn đoán và điều trị
Việc chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng và X-quang, tuy nhiên ở giai đoạn sớm, X-quang thường qui không phát hiện được, mà phải cần tới phim MRI mới cho phép thấy các tổn thương xương sớm.
Khi đã có chẩn đoán, việc điều trị sẽ bao gồm thuốc kháng viêm giảm đau nhưng kết quả không khả quan mấy.
Có rất nhiều phương pháp mổ xẻ nhằm mục tiêu cứu vãn chỏm xương đùi, động tác đơn giản nhất là khoan giải áp, phức tạp hơn có thể ghép xương xốp sau khi khoan, ghép mào chậu có cuống mạch hay xương mác có cuống mạch, nghĩa là bác sĩ sẽ khoan 1 đường hầm giải áp trong chỏm xương đùi, sau đó sẽ dùng một miếng xương có mạch máu nuôi đi theo đặt vào trong chỗ đường hầm với hy vọng là chỏm xương đùi sẽ có máu nuôi và sống lại.
Lý thuyết là như thế nhưng kết quả khá hạn chế. Tuy nhiên, người ta vẫn tiến hành vì mục tiêu cứu lấy chỏm xương đùi.
Khi chỏm xương đùi đã hư hoàn toàn thì biện pháp cuối cùng để giải thoát cho bệnh nhân khỏi cơn đau và sự tàn phế là thay khớp háng. Thay khớp háng giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng, không đau. Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó.
Điều đầu tiên là khớp háng nhân tạo không thể tốt hơn chỏm xương đùi thật, bệnh nhân sẽ không được phép ngồi xổm hay bắt chéo chân, nguy cơ có thể bị trật khớp háng mặc dù có nhiều nỗ lực nghiên cứu từ các hãng dụng cụ để giảm thiểu tình trạng này.
Thứ đến khớp háng nhân tạo có một tuổi thọ nhất định, sau một thời gian 10-15 năm sau khớp hư thì phải thay lại. Việc thay lại sẽ rất khó khăn và tốn kém do xương bị hư nhiều. Người mang khớp háng nhân tạo cũng giống như mang van tim nhân tạo cũng phải tránh để bị nhiễm trùng ở da, răng, miệng hay những nơi khác, vì khi đó vi khuẩn sẽ bám vào khớp háng nhân tạo gây ra nhiễm trùng và như thế thì rất tồi tệ.
Vì những biến chứng trên mà các bác sĩ cố gắng kéo dài thời gian sử dụng chỏm xương đùi thật càng lâu càng tốt, cho đến khi không còn cách nào khác thì sẽ thay chỏm. Ở nước ngoài, bệnh nhân được bảo hiểm trả nhưng ở Việt Nam thì việc thay khớp háng sẽ là một gánh nặng cho bệnh nhân vì giá khá cao.
Tốt nhất có lẽ nên… bớt nhậu để giảm bớt nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi và cũng là một trong những cách tiết giảm chi tiêu trong tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
Theo BS. Tăng Hà Nam Anh
Sức khỏe & Đời sống