Nhập nhèm chất lượng nước sạch Thủ đô

Trong câu chuyện về nguồn nước máy sạch, dường như những người liên quan tự mâu thuẫn với chính mình. Ở vai trò quản lý thì nói chất lượng tốt, nhưng chính họ vẫn phải dùng thêm máy lọc nước. Cơ quan giám sát lúc bảo có asen (thạch tín), khi nói không. Vậy, người dùng nước biết tin ai?

 
Không ít nơi tại Hà Nội chưa có đường ống dẫn, thiếu nước sạch phải có xe chở tới cấp cho người dân (Ảnh chụp tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh

  

“Nước ngầm Hà Nội làm gì có asen”

 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco) cho rằng, việc các nhà khoa học nói nước Hà Nội nhiễm asen là không có cơ sở. “Hiện chúng tôi kiểm tra thường xuyên, nghiêm ngặt. Khi người dân phản ánh nước chưa đảm bảo sẽ cho người đi kiểm tra và xác minh ngay”, ông Hải nói.

 

Theo ông Hải, nước đảm bảo nhưng nhiều khi do bể chứa, hệ thống đường ống của cơ quan, gia đình đó bẩn, không chịu thau rửa. Do đó, cần xác định rõ nguyên nhân, không gây hoang mang dư luận.

 

Theo ông Hải, hiện có nhiều công nghệ xử lý nước sạch, việc áp dụng tùy thuộc chất lượng nước nguồn từng nơi. Như khu Yên Phụ, nguồn nước tốt nên xử lý theo phương pháp truyền thống (lọc cát để loại sắt và mangan).

 

Về việc chủ động xử lý asen, người đứng đầu Cty Hawco khẳng định: “Phải có mới xử lý, chứ nước ngầm Hà Nội làm gì có asen; chỉ tầng nông mới nhiễm. Chúng tôi khai thác ở tầng sâu 80m, asen chỉ nhiễm ở tầng 15-30m”. Với lý lẽ đó, hiện Hà Nội chưa có nhà máy nào dùng công nghệ chủ động xử lý asen.

 

GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), đang nghiên cứu các tầng nước ngầm sâu 100m, nói: “Trước đây asen chỉ nhiễm tầng nước sâu khoảng 30-50m, nhưng nay tầng sâu 100m đã có nơi bị nhiễm. Do asen theo nước ngấm từ tầng nông xuống tầng sâu qua cửa sổ thủy văn, những lỗ khoan cũ”, GS Việt nói. Tốc độ nhiễm asen ở tầng nước sâu phụ thuộc khai thác nước ngầm nhiều hay ít.

 

Tuy vậy, ông Nguyễn Như Hải cho biết chưa nghe thông tin về nghiên cứu trên. “Khẳng định luôn, không có thông tin nào. Còn trung tâm nào có, cứ đến gặp chúng tôi xem ở đâu”, ông Hải quả quyết.

 

Về tình trạng người dân phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) phản ánh nước đóng cặn sau đun nấu, ông Hải thừa nhận: “Phản ánh đấy là đúng, hàm lượng canxi trong nước khu vực Long Biên, Gia Lâm cao hơn khu vực nội thành, nhưng không có nghĩa không đạt tiêu chuẩn”.

 

Việc người dân bỏ tiền mua máy lọc gia đình do không tin vào chất lượng nước nhà máy, ông Hải cho rằng, đấy là quyền của người dân. “Người ta cẩn thận quá, dùng như thế nhiều khi còn gây thiếu các chất vi lượng”, ông Hải nói.

 

Ông Nguyễn Anh Việt, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nước sạch Vinaconex (Viwaco - phân phối nước sông Đà) cho biết, công ty còn ký hợp đồng với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội để kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Tình trạng nước đục sau mỗi lần vỡ đường ống, ông Việt lý giải: Nước tốt tới mấy vẫn có một lượng cặn nhất định. Khi tốc độ chảy ổn định, cặn sẽ lắng xuống, cấp nước trở lại gây áp lực sục cặn lên.

 

Đáng chú ý, trong các kết quả xét nghiệm chất lượng nước của Viwaco hàng tháng, không hề có chỉ tiêu về thủy ngân. Dù mối nguy về nước nhiễm thủy ngân do khai thác vàng lậu ở thượng nguồn sông Đà luôn hiện hữu.

 

Theo đại diện Viwaco, do quy định không yêu cầu xét nghiệm chỉ tiêu này (với xét nghiệm định kỳ hàng tháng), Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội thực hiện sao đơn vị chỉ biết vậy.

 

Về tình trạng thất thoát nước lên tới gần 30% mỗi năm, theo Giám đốc Viwaco, do đơn vị tiếp nhận lại mạng ống cũ của Hawaco, có nơi thất thoát tới 50-70%. Đơn vị này đang đầu tư thay đường ống mới. “Dù giá nước đã tăng 20% vào cuối năm 2013, nhưng hiện chúng tôi vẫn lỗ. Do giá thành sản xuất trên 7.000 đồng/m3”, ông Việt nói.

 

Asen lúc có, lúc không?

 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (đơn vị giám sát chất lượng nước sinh hoạt) cho biết: Ngoài việc kiểm tra mẫu nước tại công ty, còn lấy mẫu tại hệ thống đường ống phân phối, kiểm tra cả chỉ tiêu asen, mangan…

 

“Nếu xét nghiệm nước có vấn đề sẽ phản hồi lại nhà máy để họ khắc phục hoặc đổi giếng mới”, ông Bình nói. Tuy nhiên, người dân vẫn phải dùng nước này, mà không có biện pháp xả bỏ hay thu hồi, chỉ thông báo để công ty khắc phục và không lặp lại. Như vậy, dù đảm bảo hay không, người dân vẫn phải sử dụng hết. Chưa kể, thời gian xét nghiệm phải mất 5-7 ngày, chừng ấy thời gian có lẽ nước cũng đã được người dân dùng hết (dù đạt tiêu chuẩn hay không).

 

“Về cơ bản, các chỉ tiêu asen và những chỉ tiêu quan trọng khác vẫn đảm bảo. Nhưng đôi khi có một số tiêu chí ít quan trọng vượt tiêu chuẩn một chút, như nhiễm chất hữu cơ, amoniac”, ông Bình nói. Tuy vậy, theo ông Bình, hệ thống mạng đường ống của Cty Nước sạch Hà Nội hiện nay đều hòa chung giữa các nhà máy, nước tốt hòa lẫn với nước chưa tốt nên các chỉ tiêu (chưa đạt) cũng “loãng đi nhiều”.

 

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho rằng, chất lượng nước còn phụ thuộc hệ thống ống tới hộ dân có tốt hay không; nếu thủng, rò rỉ có thể bị ô nhiễm lại.

 

Khi đề nghị được xem một số kết quả xét nghiệm nước sạch tại Hà Nội thời gian gần đây, ông Bình nói: “Hôm nay, đồng chí phụ trách đang đi họp, hẹn sẽ xin ý kiến cấp trên, nếu được sẽ cho xem sau”.

 

Chính ông Bình sau đó vẫn khuyên hộ dân có điều kiện nên sắm máy lọc gia đình lấy nước ăn uống. Qua câu chuyện được biết nơi làm việc và gia đình của ông Bình cũng sắm máy lọc riêng.

 

Về kết quả xét nghiệm trong vòng 1 năm trở lại đây có phát hiện asen vượt tiêu chuẩn, ông Bình thông tin: Thực ra, xét nghiệm một vài nơi có (asen), nhưng không phải tất cả. Ví như khu vực phía Nam Hà Nội, nhà máy Pháp Vân có xử lý.

 

Tuy vậy, Y tế chỉ giám sát chất lượng nước, phương án thay thế nguồn nước phải hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 

 Giám sát chất lượng nước sinh hoạt là trách nhiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nhưng đơn vị này vẫn ký các hợp đồng dịch vụ có thu phí xét nghiệm với một số nhà máy nước. Giải thích điều này, lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nói chỉ ký với các nhà máy sản xuất nước theo diện kinh doanh thương mại, các đơn vị nhà nước vẫn kiểm tra miễn phí.

 
Theo PV Kinh tế

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm