Nghịch lý nước sạch Thủ đô: Muốn sạch, mua thêm máy lọc

Lộ trình 3 năm (2013-2015), giá nước mỗi năm tăng khoảng 20%. Tuy vậy, công nghệ xử lý chưa có nhiều thay đổi, người dân phải bỏ tiền mua thêm máy lọc để bảo vệ mình.

Công nhân khắc phục đường ống nước sông Đà bị vỡ gần đây. Ảnh: HQ

Công nhân khắc phục đường ống nước sông Đà bị vỡ gần đây. Ảnh: HQ

 

Giá tăng 20%/năm

 

Theo lộ trình tăng giá nước sạch tại Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt, trong 3 năm (2013 - 2015), giá nước sạch tăng 3 lần vào ngày 1/10 hàng năm, với mức tăng khoảng 20% mỗi năm. Cụ thể, từ ngày 1/10/2013, giá nước sạch sinh hoạt tăng thấp nhất 19,93% cho mức sử dụng 10m3 đầu tiên (tăng từ 3.478 đồng lên 4.172 đồng/m3); từ 1/10/2014, mức giá này tăng thành 5.020 đồng/m3 (tăng 848 đồng); sẽ chạm mốc 5.973 đồng/m3 (tăng 953 đồng) ngày 1/10/2015 (giá trên chưa tính thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường).

 

Khi tăng giá nước sạch lần đầu vào năm 2013, dẫn lý do tăng giá, cả lãnh đạo Hà Nội và Tổng Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco) đều nói rằng, các chi phí đầu vào tăng mạnh, nếu giá bán không tăng sẽ không bù được giá thành sản xuất. Ngoài ra, theo các đơn vị này, tuy mức tăng gần 20%, nhưng giá nước tại Hà Nội vẫn thấp hơn các thành phố khác như: TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương…

 

Phản ánh với Tiền Phong, anh Nguyễn Văn Lục (ngách 80, ngõ 405, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) cho biết, sau mỗi lần đun nước, một lớp cặn màu trắng vàng kết tủa ở đáy và thành ấm. “Chỉ cần đun 4-5 lần, khi khô lớp cặn có thể dùng tay bóc”, anh Lục nói.

 

Cạnh đó, gia đình anh Phạm Huy Khoa đang phải gọi thợ tới sửa lại đường ống nước. Anh Khoa cho hay, dùng nước sạch được 2 năm, nhưng đây đã là lần thứ 2 anh phải gọi thợ tới lau chùi đường ống nước nóng và lau rửa vòi. “Đường ống nước lạnh không bị tắc, nhưng đường nước nóng kết tủa cặn rất nhiều, tắc cả ống. Mỗi lần gọi thợ lại mất mấy trăm nghìn”, anh Khoa nói.

 

Được biết, thời điểm năm 2012, khi hệ thống ống nước sạch được kéo tới phường Ngọc Thụy, một số hộ dân ở đây đã phải nộp thêm từ 700-900 nghìn đồng cho Cty Kinh doanh Nước sạch số 2 Hà Nội (đơn vị quản lý). Theo người dân phản ánh, số tiền đó dùng để kéo đường ống, dù đường ống vẫn nằm ngoài đồng hồ đo nước (theo quy định, người dân chỉ phải bỏ tiền cho phần đường ống sau đồng hồ tới bể).

 

Tương tự, chị Lê Thị Chung, ở H5, ngõ 130 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, đầu tháng trước chị cũng phải bỏ ra hơn 300 nghìn đồng gọi thợ sửa đường ống vì tắc. “Nhà vệ sinh phòng ngủ dành cho khách lâu nay ít để ý, hôm rồi có khách tới chơi mở nước thấy chảy nhỏ giọt. Gọi thợ tới sửa mới thấy chỗ khóa vòi bị cặn bám gây tắc”, chị Chung nói.

 

Cách đây không lâu (ngày 1/4), đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội lại vỡ (lần thứ 5 đường ống bị vỡ kể từ khi đưa vào vận hành năm 2012). Sau mỗi lần như vậy, nước cấp lại trông như cháo lòng, người dân phải dùng tạm 1-2 ngày, sau đó mới trong trở lại. “Mỗi lần đường ống vỡ, nước được cấp lại đen tới mức xả ra nhìn không thấy đáy chậu đâu, bốc mùi tanh. Bẩn vậy vẫn phải dùng, vẫn bị tính tiền như thường, không thấy ai đền bù hay xin lỗi gì”, anh Lê Văn Chinh, ngõ 65 Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc.

 

Dùng nước sạch vẫn phải mua máy lọc

 

Trước thực tế trên, nhiều gia đình tại Hà Nội phải bỏ hàng triệu đồng sắm đủ loại máy lọc gia đình để lấy nước ăn uống. Chị Lê Thị Lành (ở ngõ 850 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hai năm trước nhà chị phải bỏ ra hơn 4 triệu đồng sắm bộ thiết bị lọc nước theo công nghệ RO (thẩm thấu ngược).

 

Tuy nhiên để máy lọc tốt, cứ 3-4 tháng phải bỏ thêm hơn 100 nghìn đồng thay cột lọc mới. “Tính ra, mỗi năm mất khoảng 500 nghìn đồng để thay thế các cột lọc. Đấy là những cột lọc đơn giản, giá rẻ. Khoảng 2 năm phải thay cột lọc chính, tụ lọc nano… với giá lên tới 700 - 800 nghìn đồng/cột”, chị Lành nói. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để sắm máy lọc như chị Lành. Nhiều hộ gia đình vẫn hằng ngày phải dùng nước máy.

 

Không chỉ gặp vấn đề về chất lượng nước tới hộ dân, các công ty cấp nước Hà Nội cũng đang có tỷ lệ thất thoát rất lớn. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2012, tỷ lệ thất thoát nước tại Hà Nội trên 30%. Còn theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, chỉ riêng 1 lần vỡ đường ống nước của Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco) vào năm 2012, đã đưa đơn vị này vào danh sách 6 công ty trên toàn quốc có mức thất thoát nước hơn 30%/năm (năm 2013 giảm còn 26%).

 

Hiện, Viwaco cung cấp khoảng 200.000m3 nước/ngày đêm (với tỷ lệ thất thoát 30%, tức khoảng 60.000m3/ngày đêm). Nếu tính đơn giá nước sạch (cho 10m3 đầu tiên) của năm 2012 là 3.478 đồng/m3, đơn vị này mất 208 triệu đồng/ngày đêm (mỗi năm hơn 76 tỷ đồng).

 

Nếu tính thêm cả 4 lần sau đó đường ống bị vỡ (vào năm 2013 và 2014), với đơn giá nước tăng từ tháng 10/2013 (tăng lên 4.172 đồng/m3), số tiền do thất thoát nước gây ra còn lớn hơn rất nhiều. Như ông Nguyễn Anh Việt, Tổng GĐ Viwaco trả lời báo chí, sự cố vỡ đường ống khiến mỗi ngày đơn vị này thiệt hại hàng tỷ đồng.

 

Với Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, hiện tổng công suất cấp nước khoảng 600.000m3/ngày đêm, số tiền thất thoát sẽ còn lớn hơn nhiều của Viwaco (đây là đơn vị cấp nước chính cho nội thành Hà Nội). Rốt cuộc, “các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch được tính tối đa 27% số thất thoát vào giá thành, phần còn lại tự chịu theo quy định”, Tổng GĐ Viwaco Nguyễn Anh Việt nói.

 

Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ thất thoát nước bình quân tại các đô thị Việt Nam hiện vào khoảng 28-29%/năm, tổng số tiền thiệt hại do thất thoát nước sạch lên đến gần 2.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát của Singapore khoảng 4,4%/năm, Tokyo (Nhật) gần 3%...

 

Trong bản tin số 1 của Chương trình Quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025, ông Nguyễn Hồng Tiến (Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng) cho hay: Hiện khai thác nước sạch tại Hà Nội khoảng 780.000m3/ngày đêm, chủ yếu vẫn là nước ngầm, một phần nước mặt sông Đà.

 

“Khai thác nước dưới đất quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, đe dọa tới ổn định công trình xây dựng và kết cấu hạ tầng; gây nguy cơ ô nhiễm, suy thoái cả về số lượng, chất lượng nước ngầm”, ông Tiến nói.

 

Ông Đỗ Phú Hải, một chuyên gia nghiên cứu về công nghệ xử lý nước sạch tại Hà Nội cho biết, hiện trên thế giới có nhiều công nghệ lọc nước khác nhau, tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước khai thác. Singapore, Thái Lan áp dụng công nghệ lọc thẩm thấu ngược, bổ sung thêm khoáng chất và vi lượng, như công nghệ áp dụng cho nhiều máy lọc nước gia đình hiện nay. Tuy nhiên, những công nghệ đó tốn kém, trong khi điều kiện kinh tế Việt Nam còn kém xa các nước.

 

Theo Nhóm PV Kinh tế

Tiền phong