TPHCM:

Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình về tuyến phường xã

(Dân trí) - Xác định bác sĩ gia đình là người gắn với dân và gần dân nhất, ngành Y tế thành phố sẽ tập trung phát triển mô hình này về tuyến phường xã. Bác sĩ gia đình được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Trong năm 2013 ngành Y tế thành phố đã thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại 10 bệnh viện tuyến quận huyện và 10 trạm y tế tuyến phường xã. Thống kê của Sở Y tế thành phố cho thấy, đến hết tháng 1/2014 mô hình bác sĩ gia đình đã tiếp nhận khám chữa bệnh cho 117.217 lượt bệnh nhân, trong đó, có 113.993 lượt khám tại các bệnh viện quận huyện và 3.224 lượt khám tại các trạm y tế.

Thực tế này cho thấy, bệnh nhân vẫn đang đặt niềm tin vào các bệnh viện tuyến trên, chưa mặn mà với việc khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế phường xã.

Bác sĩ gia đình nắm rõ nhất tình trạng bệnh của từng người dân
Bác sĩ gia đình nắm rõ nhất tình trạng bệnh của từng người dân
 
Tuy nhiên, khi Bệnh viện Quận 10 triển khai mô hình bác sĩ gia đình, bệnh viện này đã rơi vào tình trạng quá tải vì mỗi ngày có tới 200-300 lượt bệnh nhân đến đăng ký khám chữa bệnh qua mô hình này. Một số chuyên gia y tế quan ngại mô hình bác sĩ gia đình nếu quá tải sẽ có nguy cơ “biến tướng” thành đơn vị khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, nhận định, mô hình bác sĩ gia đình còn trong giai đoạn thí điểm, nguồn lực ở tuyến dưới chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân đã gây không ít trở ngại cho kế hoạch triển khai. Để giải quyết bài toán về nhân lực, trong năm 2013 bộ môn Y học Gia đình, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã bồi dưỡng kiến thức về Y học Gia đình và cấp chứng nhận cho 125 bác sĩ. Bên cạnh đó trường còn đào tạo thêm 126 bác sĩ về chuyên khoa Y học Gia đình theo các chương trình đào tạo của quốc tế.

Bệnh nhân kiểm tra sức khỏe tại phòng khám bác sĩ gia đình phường 10, quận 10
Bệnh nhân kiểm tra sức khỏe tại phòng khám bác sĩ gia đình phường 10, quận 10

Để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch mở rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình về tuyến y tế phường xã, đến tháng 05/2014, Sở Y tế thành phố đã thẩm định và cấp phép đủ điều kiện khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế ban đầu cho 176/318 Trạm y tế tại 24 quận huyện. Trong đó, 82 Trạm y tế đã có mã số khám chữa bệnh và 94 Trạm y tế đã triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế.

Dự kiến từ nay đến hết năm 2014, Sở Y tế sẽ tiến hành triển khai và củng cố các hoạt động của y tế gia đình tại 24 quận huyện với mục tiêu 50% trạm y tế tuyến phường xã có mô hình bác sĩ gia đình; mở rộng các hình thức khám chữa bệnh và tăng cường nhân lực, dịch vụ tại những cơ sở đã có mô hình bác sĩ gia đình để thu hút bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Các đơn vị triển khai mô hình bác sĩ gia đình sẽ được trang bị hệ thống quản lý bệnh nhân đạt chuẩn về biểu mẫu khám bệnh, xét nghiệm, báo cáo y khoa, hồ sơ điện tử và hồ sơ quản lý chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trả hồ sơ sau điều trị cho bác sĩ gia đình ở tuyến dưới để theo dõi sát tình trạng sức khỏe của người dân.
 

 Bác sĩ gia đình là những bác sĩ đa khoa, đã được học và tốt nghiệp chuyên khoa Y học Gia đình, trình độ tương đối toàn diện, có thể giải quyết được những vấn đề sức khỏe ban đầu, đồng thời tư vấn tâm lý, quản lý xã hội để có thể khám, chẩn đoán, tiên lượng và tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ gia đình còn góp phần vào công tác dự phòng bệnh tật bằng cách tư vấn, hướng dẫn cho người dân về chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, các biện pháp vệ sinh phòng dịch.

 

Tại phòng khám Bác sĩ gia đình, bệnh nhân sẽ được khám, tư vấn và điều trị, nếu cần thiết sẽ chuyển lên đúng tuyến (các bệnh viện tuyến trên có chức năng và chuyên khoa sâu hơn). Sau đó, tuyến trên có nhiệm vụ phản hồi về cho bác sĩ gia đình để tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin của người bệnh. Mỗi bệnh nhân quản lý tại bác sĩ gia đình sẽ được theo dõi một cách toàn diện, cập nhật liên tục diễn biến sức khoẻ, bệnh tật.


Vân Sơn