1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhai kẹo cao su quá nhiều có gây hại cho hàm?

Hà An

(Dân trí) - Hầu hết chúng ta đều nhai hàng ngày, có thể là nhai thanh ngũ cốc giữa các cuộc họp hoặc nhai thịt gà vào giờ ăn. Vậy liệu nhai kẹo cao su thường xuyên có giúp rèn luyện cơ hàm?

Theo Eating Well, không chỉ cánh tay, chân và cơ bụng của bạn cần được tập thể dục, bạn có những bộ phận cơ thể thiết yếu ở đầu và cổ cũng cần được vận động thường xuyên.

Thực tế, có một số nghiên cứu khá thuyết phục chỉ ra những lợi ích ấn tượng khi tập thể dục cho các cơ đầu và cổ thông qua việc nhai, từ việc giúp bạn cảm thấy no lâu hơn cho đến cải thiện chức năng nhận thức và có khả năng bảo vệ bạn khỏi các bệnh thoái hóa thần kinh gây suy giảm nhận thức, như bệnh Alzheimer.

Các vật dụng nhà bếp từ máy xay sinh tố, máy ép nước, máy chế biến thực phẩm, máy bào cho đến cả nhiệt từ bếp đều có thể giúp nghiền nát thực phẩm. Do đó, các cơ hàm của bạn không có nhiều việc phải làm.

Chế độ ăn uống hiện đại đã trở nên mềm hơn và ngay cả chế độ ăn uống bao gồm thực phẩm toàn phần cũng đã được chế biến nhiều hơn. Cà rốt nguyên củ, cà rốt thái sợi và cà rốt nấu chín đều là nguyên chất, nhưng thực tế chúng không giống nhau.

Chúng có thể có cùng chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, nhưng mỗi loại lại đòi hỏi hàm của bạn phải hoạt động khác nhau. Với cà rốt nguyên củ, bạn cần phải cắn thật mạnh và xé, cà rốt thái sợi đã được nghiền nát bằng máy xay và bạn cần ít động tác nhai hơn, còn với cà rốt nấu chín bạn chỉ cần nghiền một chút để dễ nuốt.

Khi nhai thức ăn, bạn sử dụng nhiều bộ phận cơ thể, bao gồm lưỡi, răng, xương hàm, xương sọ và cơ. Và bạn có biết rằng hai trong số những cơ khỏe nhất của cơ thể bạn là những cơ di chuyển hàm, được gọi là cơ nhai không? Những cơ này tương đối nhỏ, nhưng chúng có thể tạo ra áp lực lớn nhất trong tất cả các cơ xương.

Nhai kẹo cao su quá nhiều có gây hại cho hàm? - 1

Việc nhai kẹo cao su quá nhiều có thể không tốt cho cơ hàm (Ảnh: Nbcnews).

Mối liên hệ giữa việc nhai và sức khỏe não

Các lực tạo ra khi bạn nhai đóng vai trò trong cách cơ thể bạn hoạt động. Nhai, xé và nuốt kích thích các cơ mặt và cổ họng của bạn và giúp phát triển giải phẫu và chức năng tối ưu của hàm, dây thanh quản… và thậm chí cả não của bạn.

Theo một bài báo năm 2017 được công bố trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế, nhai giúp bảo vệ phần não của bạn (hồi hải mã) xử lý trí nhớ và các chức năng nhận thức khác bằng cách tăng lưu lượng máu qua não. Mặc dù lý do chính xác vẫn chưa rõ ràng, nhai đã được nghiên cứu từ lâu như một hành vi giảm căng thẳng.

Ngoài ra, lực tạo ra khi bạn cắn giúp tăng hoạt động của tế bào thần kinh trong não, theo một bài báo đánh giá năm 2019 trên Tạp chí Nha khoa Quốc tế.

Các cơ nhai của bạn có thể đang làm việc tương đương với việc ngồi trên ghế cả ngày. Vì thế, hãy đảm bảo rằng bạn không bỏ lỡ những cơ hội khác để nuôi dưỡng não trong khi ăn.

Nhai kẹo cao su quá nhiều có gây hại cho hàm?

Theo Cleveland Clinic, chuyển động của hàm xảy ra tại khớp thái dương hàm, nằm ở phía trước mỗi tai, có một mạng lưới cơ hỗ trợ khớp đó. Các cơ giúp hàm của bạn khép lại để bạn có thể nhai và di chuyển hàm từ bên này sang bên kia.

Thông thường, bạn nhai để cắt thức ăn thành những miếng nhỏ hơn để có thể nuốt. Tuy nhiên, khi nhai kẹo cao su, bạn nhai chỉ để... nhai. Các nha sĩ coi việc nhai kẹo cao su là không bình thường.

"Những thói quen không bình thường, như nhai kẹo cao su thường xuyên, có thể gây ra các rối loạn khớp thái dương hàm hoặc làm cho các tình trạng hiện tại trở nên tồi tệ hơn", Tiến sĩ Kahn cho biết.

Nhai kẹo cao su kích thích sản xuất nước bọt, giúp cải thiện sức khỏe răng miệng bằng cách loại bỏ các mẩu thức ăn còn sót lại và trung hòa axit do vi khuẩn trong miệng tạo ra.

Tuy nhiên, việc nhai kẹo cao su liên tục gây ra lực quá mức lên các khớp thái dương hàm, cơ và răng, dẫn đến căng thẳng quá mức, mất cân bằng và lệch khớp. Điều này có thể gây ra tiếng kêu lục cục ở một hoặc cả hai khớp thái dương hàm, đau đầu, đau hàm, gãy răng.

"Đối với một số người, ngay cả một sự dịch chuyển nhỏ ở khớp thái dương hàm cũng có thể gây ra cơn đau dữ dội", Tiến sĩ Kahn cho biết.

Vì thế, những người bị rối loạn khớp thái dương hàm nên tránh hoàn toàn kẹo cao su. Đối với những người khác, bà khuyên nên hạn chế nhai kẹo cao su dưới 15 phút mỗi ngày để tránh gây ra vấn đề.

Nhai kẹo cao su quá nhiều có gây hại cho hàm? - 2

Nhai thức ăn cũng là một cách rèn luyện cơ hàm (Ảnh: Shutterstock).

Cách rèn luyện cơ hàm bằng thức ăn

Bạn có thể mua dụng cụ tập hàm, các miếng cao su, để cắn nhiều lần nhằm giúp giải quyết tình trạng teo mô ở mặt. Nhưng là một người yêu thích ẩm thực, bạn cũng có thể định hình giải phẫu của mình bằng những gì bạn ăn.

Tất nhiên, có những thời điểm bạn cần ăn đồ ăn mềm như khi niềng răng, làm răng mới hoặc chấn thương răng miệng. Tuy nhiên, ngoài những thời điểm này, bạn có thể chuẩn bị bữa ăn không chỉ để nhận được lượng vitamin và khoáng chất khuyến nghị hàng ngày mà còn để có lượng vận động được khuyến nghị hàng ngày.

Hãy để các bữa ăn hàng ngày của bạn rèn luyện cơ hàm như ăn rau, trái cây nguyên quả thay vì uống nước ép hay sinh tố, ăn các loại hạt, thịt khô, trái cây sấy khô… Bạn có thể làm giãn hàm bằng cách mở rộng miệng để ăn một quả táo nguyên quả hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào khác chưa được cắt sẵn.

Bạn cũng có thể thử một bát rau xanh hoặc salad bắp cải thái nhỏ như một bài tập luyện cho khuôn mặt của bạn.