“Nhà vệ sinh bẩn chứng tỏ trưởng khoa, giám đốc bệnh viện… ở bẩn”

(Dân trí) - “Có đến gần 20% nhà vệ sinh bệnh viện vẫn bẩn, hôi, nước đọng sàn nhà, không xà bông rửa tay. Đi viện nào tôi cũng vào nhà vệ sinh kiểm tra, kể cả trạm y tế xã phường, thấy nhiều bệnh viện tỉnh nhà vệ sinh không có xà bông rửa tay, dù phòng của nhân viên”.

Nhà vệ sinh bẩn, không thể điểm cao!

Tại Hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện” diễn ra ngày 18/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gay gắt yêu cầu phải tìm ra giải pháp để những vấn đề tồn tại trong y tế khiến người bệnh không hài lòng cần phải được khắc phục.

Bộ trưởng Tiến cho biết, theo đánh giá độc lập của Tổ chức sáng kiến Việt Nam, kết quả gọi điện cho 3000 người người nhà bệnh nhân nằm viện sau 3 tuần điều trị trở lại, tỉ lệ hài lòng chung 79%.

“Hơn 20% không hài lòng còn lại tập trung hàng đầu là nhà vệ sinh bệnh viện, thời gian chờ đợi khám bệnh, lấy thuốc, trả tiền còn dài”, bà Tiến nói.

Bộ trưởng Y tế chỉ đạo, phải quy trách nhiệm trưởng khoa, giám đốc BV nếu để nhà vệ sinh bẩn. Ảnh: H.Hải
Bộ trưởng Y tế chỉ đạo, phải quy trách nhiệm trưởng khoa, giám đốc BV nếu để nhà vệ sinh bẩn. Ảnh: H.Hải

Bà Tiến cho biết hiện nhiều nơi nhà vệ sinh bệnh viện sạch, đẹp như khách sạn 4 sao, có biển hướng dẫn, treo khăn, trang trí cây xanh, xà bông rửa tay đầy đủ… Nhà vệ sinh bệnh viện được chia từ 1 – 5 mức, từ bẩn, hôi đến mức 5 là như “khách sạn 5 sao”, Nhưng mức 1 – 2 vẫn còn đến 18%. Mức 1 là kém nhất với các biểu hiện nền có nước bẩn, mùi hôi. Mức 2 là nhà vệ sinh không có xà bông rửa tay, nền nhà còn ướt. Từ mức 3 trở đi là đạt yêu cầu, với khoảng 80%, còn chỉ một số ít nhà vệ sinh bệnh viện đạt như khách sạn 4 – 5 sao.

“Nhà vệ sinh bệnh viện từ mức 3 trở lên đã đạt 80%, còn lại 18% chưa đạt, đây là hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng cả hệ thống, chủ yếu rơi vào tuyến huyện – tỉnh. Ta phải xem lại làm sao, làm các viện khác làm được, viện mình không làm được?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

“Nhà vệ sinh, còn gần 20% nhà vệ sinh mức 1 – 2 bẩn, hôi. Tôi đi viện nào tôi cũng vào nhà vệ sinh, kể cả trạm y tế xã phường. Nhiều bệnh viện tỉnh không có xà bông rửa tay, dù phòng của nhân viên. Sau cuộc họp này tôi đề nghị nơi nào nhà vệ sinh bẩn thì kết luận giám đốc bệnh viện, trưởng khoa đó ở bẩn. Tới đây, cứ nơi nào để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, quy trách nhiệm trưởng khoa, giám đốc bệnh viện.

Từ nay cứ như thế mà chấm điểm, không thể vẫn để tình trạng nhà vệ sinh bẩn mà vẫn đạt điểm chất lượng bệnh viện cao”, Bộ trưởng Tiến chỉ đạo.

"Điểm liệt" nếu nhà vệ sinh bẩn

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết hiện nay tiêu chí nhà vệ sinh được chia làm 5 mức từ mức 1 đến mức 5, tương ứng với chất lượng “rất tệ” đến mức “sạch sẽ 5 sao”. Theo khảo sát của Bộ Y tế 2017 trên các cơ sở y tế toàn quốc, nhà vệ sinh ở mức “5 sao” chỉ đạt 2,1%; mức 4 là 32,98%; mức 3: 46%; còn mức chưa đạt là 1 và 2 là: 2 và 17%.

Nhà vệ sinh bệnh viện phải đảm bảo tiêu chí sạch, có nước, có xà bông rửa tay...
Nhà vệ sinh bệnh viện phải đảm bảo tiêu chí sạch, có nước, có xà bông rửa tay...

"Kết quả khảo sát hài lòng của người bệnh cho thấy họ kém hài lòng nhất về nhà vệ sinh bệnh viện", PGS Khuê nói.

PGS Khuê cũng "hứa" với Bộ trưởng trong thời gian tới chắc chắn chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện sẽ dần được cải thiện. Bởi nhà vệ sinh bệnh viện sẽ là tiêu chí đặc biệt quan trọng (coi như điểm liệt) nếu nhà vệ sinh ở mức 1, 2 thì bệnh viện sẽ bị xếp loại bệnh viện kém.

Để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện, thời gian tới sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở người bệnh, người dân và nhân viên y tế về vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh. Chú trọng cung cấp trang thiết bị nhà vệ sinh như giấy vệ sinh, xà phòng, nước…

Tuỳ theo điều kiện, Giám đốc Bệnh viện cần phân công, hợp đồng ngưới đơn vị chuyên nghiệp chịu trách nhiệm để đảm bảo cải thiện nhà vệ sinh.

Hồng Hải