Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản: “Mỗi ngày ăn 1,5 tấn cá chứa Phenol mới bị ảnh hưởng”
(Dân trí) - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay bộ này đã sáp nhập vào Bộ NN&PTNT), cho biết, với hàm lượng 0,037 mg/kg Phenol có trong cá nục, thì một người dân bình thường phải ăn tới khoảng 1,5 tấn cá này trong 1 ngày mới bị ảnh hưởng.
Liên quan đến sự việc Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị mới đây đã công bố thông tin phát hiện phenol là chất cực độc tuyệt đối cấm không có trong thực phẩm trong mẫu cá nục, ngày (15/6), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay bộ này đã sáp nhập vào Bộ NN&PTNT).
Tiến sĩ Minh cho biết: “Hàm lượng 0,037 mg/kg Phenol có trong cá nục mà Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị phát hiện tại lô hàng gần 30 tấn cá nục tại kho đông lạnh của 1 hộ dân trên địa bàn tỉnh này là rất nhỏ, nếu người tiêu dùng ăn phải cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nước châu Âu theo tôi được biết là họ đưa ra giới hạn với chất Phenol này là 5mg/kg.
Do đó, nếu căn cứ theo giới hạn của châu Âu thì người bình thường phải ăn tới khoảng 1,5 tấn cá nục có chứa chất Phenol mới bị ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Cũng theo Tiến sĩ Minh, hàm lượng chất Phenol có trong cá nục mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện là do nhiễm tự nhiên, trong thực tế người dân không dùng Phenol để tẩm, ướp cá vì chúng không có tác dụng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh cũng đưa ra khuyến cáo là người tiêu dùng, dư luận xã hội không nên quá hoang mang, lo lắng trước thông tin cá nục chứa chất Phenol mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị công bố mới đây.
Cũng liên quan đến nội dung này, trước đó, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Phenol hoàn toàn có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm phổ biến. Theo đó, Phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, ba chỉ rán, gà rán và một số loại trái cây như cà chua, táo lạc, chuối, cam, ca cao, nho đỏ, một số loại quả có màu sẫm đều sẵn có phenol, với hàm lượng khá cao. Vì thế, con người có thể bị tiếp xúc với Phenol qua rất nhiều đường khác nhau qua không khí, đất, nước, trong môi trường làm việc sản xuất các nilong, nhựa… và ăn một số thực phẩm trên đều có thể có phenol.
Tuy nhiên, theo ông Long, các nghiên cứu hiện tại chưa có bằng chứng Phenol gây ra ung thư. Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp Phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người. Liều gây chết cho khoảng 50% sinh vật thử nghiệm ở trên loài ngặm nhấm là dùng Phenol ở ngưỡng 300 - 600mg/1kg thể trọng.
Nhận định về khả năng nguồn cá nục nhiễm Phenol, ông Long cho biết có thể có tự nhiên trong cá, nhiễm tự nhiên từ môi trường và Phenol chưa được đưa ra về giới hạn. “Nhưng nếu uống phải phenol có hàm lượng rất cao có thể phá hủy đường ruột, gây tử vong, phá hủy da…Tuy nhiên liều rất cao là bao nhiêu thì trong các tài liệu chuyên môn chúng tôi tham khảo họ không công bố”, ông Long nói.
Nguyễn Dương