Nguyên tắc điều trị dự phòng bệnh dại ở người
(Dân trí) - Hiện nay đang vào mùa nắng nóng, tình hình bệnh dại ở người do chó dại cắn xảy ra ở một số địa phương và đã có trường hợp bị tử vong do việc xử trí không phù hợp, kịp thời.
Vì vậy cộng đồng người dân và cả cơ sở y tế không nên chủ quan, cần biết nguyên tắc điều trị dự phòng cần thiết theo quy định của Bộ Y tế để chủ động phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Xử trí điều trị dự phòng bệnh dại ở người do chó dại cắn phải bảo đảm nguyên tắc (ảnh internet minh họa)
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong điều trị dự phòng bệnh dại, việc chỉ định dùng vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại phải căn cứ theo tình trạng của con chó, hoàn cảnh bị chó cào cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, vị trí chó cào cắn, số lượng vết cào cắn, mức độ vết cào cắn và tình hình bệnh dại xảy ra tại địa phương. Đối với những người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh dại, việc chỉ định điều trị dự phòng bệnh dại cần phải dựa vào phân loại vết thương do chó cào cắn một cách cụ thể để có xử trí phù hợp. Tình trạng tiếp xúc với chó hoặc do bị chó cào cắn được phân chia làm 3 mức độ từ mức độ bình thường đến mức độ nặng.
Mức độ 1
Đây là mức độ khi cơ thể không bị tổn thương, người chỉ tiếp xúc với chó bằng động tác sờ mó, vuốt ve; cho chó ăn, để chó liếm trên phần da lành không bị vết xước, vết cào thì không cần xử trí điều trị dự phòng.
Mức độ 2
Được phát hiện khi bị chó cào cấu gây thương tổn với vết xước, vết cào; để chó liếm trên phần da và niêm mạc bị tổn thương. Nếu tại thời điểm bị cào cấu, chó ở trong tình trạng bình thường kể cả chó đã được tiêm phòng dại thì phải điều trị dự phòng bằng cách tiêm ngay vắc xin phòng dại và trong vòng 10 ngày sau đó tình trạng chó vẫn ở tình trạng bình thường thì dừng tiêm vắc xin sau ngày thứ 10. Nếu tại thời điểm bị chó cào cấu phát hiện có vết xước, vết cào và chó ở trong tình trạng bình thường kể cả chó đã được tiêm phòng dại nhưng trong vòng 10 ngày sau đó con chó bị ốm, có xuất hiện triệu chứng dại hoặc bỏ chạy mất tích không theo dõi được thì ngay từ đầu phải điều trị dự phòng bằng cách tiêm ngay vắc xin dại và tiêm đủ liều. Khi tại thời điểm bị chó cào cấu có vết xước, vết cào; chó đã có triệu chứng dại hoặc bỏ chạy mất tích không theo dõi được tình trạng thì ngay từ đầu phải điều trị dự phòng bằng cách tiêm ngay vắc xin phòng dại và tiêm đủ liều.
Mức độ 3
Đây là mức độ nặng xảy ra khi nạn nhân có những tổn thương do vết cắn, vết cào nguy hiểm.
Nếu vết thương do chó cắn hay cào gây chảy máu ở vùng xa thần kinh trung ương nhưng tại thời điểm bị cắn hay cào; con chó ở tình trạng bình thường thì phải điều trị dự phòng bằng cách tiêm ngay vắc xin phòng dại và theo dõi 10 ngày sau đó chó vẫn ở tình trạng bình thường thì có thể dừng tiêm vắc xin sau ngày thứ 10. Nếu tại thời điểm bị chó cắn hay cào, con chó ở tình trạng bình thường nhưng trong vòng 10 ngày sau đó chó bị ốm, có xuất hiện triệu chứng dại hoặc bỏ chạy mất tích không theo dõi được thì ngay từ đầu phải điều trị dự phòng bằng cách phải tiêm ngay vắc xin phòng dại và tiêm đủ liều. Khi tại thời điểm bị chó cắn hay cào, con chó có triệu chứng dại hoặc bỏ chạy mất tích không theo dõi được tình trạng thì phải điều trị dự phòng ngay từ đầu bằng cách tiêm ngay huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại.
Nếu vết thương do chó cắn hay cào gây tổn thương sâu, có nhiều vết thương; vết cắn, vết cào gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hay ở vùng có nhiều dây thần kinh như các đầu chi, bộ phận sinh dục nhưng ở thời điểm bị cắn hay cào chó ở trong tình trạng bình thường, có triệu chứng dại hoặc bỏ chạy mất tích không theo dõi được thì phải điều trị dự phòng ngay từ đầu bằng cách tiêm ngay huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại.
Lời khuyên của thầy thuốc
Như vậy trên thực tế khi tiếp xúc với chó, có các vết xước, vết cào; chó liếm trên da và niêm mạc bị tổn thương; bị chó cắn hay chó cào... dù con chó đã được tiêm phòng vắc xin dại thì cũng không nên chủ quan. Tùy theo phân loại vết thương với mức độ thương tổn đã nêu ở trên để có biện pháp xử trí điều trị dự phòng một cách phù hợp. Sự chủ quan của nạn nhân kể cả các cơ sở y tế không thực hiện việc điều trị dự phòng theo quy định của Bộ Y tế sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm tính mạng và có thể gây tử vong là điều không thể tránh khỏi.
Cần lưu ý rằng các vết thương do những động vật hoang dại cắn cũng phải cần xử trí điều trị dự phòng như đối với trường hợp bị chó cào cắn. Khi bị các động vật hoang dại cắn, cần bắt ngay con vật để làm xét nghiệm; khi có kết quả âm tính đối với bệnh dại thì có thể dừng việc điều trị dự phòng. Nếu vết thương do các loại động vật gặm nhắm, gia súc khác cắn thì cơ sở y tế có thể xem xét chỉ định việc tiêm vắc xin phòng dại mà không cần tiêm huyết thanh kháng dại. Việc sử dụng vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại phải tuân thủ theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành sử dụng tại nước ta.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh