Nguyên nhân nào gây bệnh ung thư ở trẻ em?
(Dân trí) - Chẩn đoán ung thư ở một đứa trẻ thật đáng sợ. Các bậc cha mẹ có thể có hàng tá câu hỏi về sức khỏe, cách điều trị và tương lai của con họ, bao gồm - làm thế nào mà con tôi bị ung thư?
Để hiểu nguyên nhân gây ung thư ở trẻ em, điều quan trọng là phải hiểu cách thức hoạt động của bệnh ung thư. Tất cả các bệnh ung thư, kể cả ung thư ở người lớn, đều xảy ra khi DNA trong tế bào bị đột biến hoặc thay đổi. Cơ thể thường tiêu diệt tế bào mới này trước khi nó có thể gây ra bất kỳ tổn thương nào.
Tuy nhiên, trong trường hợp ung thư, tế bào đột biến tiếp tục phát triển và phân chia thành nhiều tế bào hơn. Tế bào ung thư phát triển và phân chia nhanh hơn nhiều so với tế bào khỏe mạnh. Chúng có thể lây lan khắp cơ thể, đôi khi gây ra các khối u.
Nguyên nhân nào gây ra tế bào bị đột biến này? Ở trẻ em, nó không rõ ràng.
Nguyên nhân của bệnh ung thư ở trẻ em
Theo Children's Health, trong khi các nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra nguyên nhân của bệnh ung thư ở trẻ em, câu trả lời chính xác vẫn là một bí ẩn y học.
Người lớn có thể có những hành vi khiến họ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn, chẳng hạn như hút thuốc hoặc ăn một chế độ ăn uống không lành mạnh. Nhưng trẻ còn quá nhỏ để có bất kỳ thói quen không lành mạnh nào có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của trẻ, nhưng những gen này cực kỳ hiếm. Ung thư ở trẻ em hầu như luôn luôn gây ra bởi một đột biến DNA không di truyền mà xảy ra một cách ngẫu nhiên (mắc phải). Những đứa trẻ có đột biến DNA mắc phải không thể truyền chúng cho con cái của họ trong tương lai.
"Chúng tôi cố gắng nhấn mạnh với các bậc cha mẹ rằng họ không làm gì để gây ra bệnh ung thư cho con họ và con họ không làm gì để gây ra bệnh ung thư", Ts Tanya Watt, bác sĩ nhi khoa tại Sức khỏe trẻ em và Phó giáo sư tại UT Southwestern cho biết.
"Các nhà nghiên cứu đã xem xét mọi nguyên nhân có thể gây ra ung thư ở trẻ em - từ những gì bà mẹ đã ăn trong khi mang thai đến công việc của cha mẹ, nơi họ sống. Chúng tôi không thể đưa ra lý do tại sao một số trẻ em bị ung thư, còn những trẻ khác thì không. Tôi mong các bậc cha mẹ hiểu rằng đây không phải là lỗi của họ hay lỗi của bất kỳ ai", Ts Watt nói.
Các bệnh ung thư thường gặp ở trẻ em
Hơn 15.000 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mỗi năm. Một số loại ung thư phổ biến hơn ở trẻ em, bao gồm:
- Bệnh bạch cầu (ung thư máu): bệnh ung thư phổ biến nhất ở trẻ em, ảnh hưởng đến khoảng 30% trẻ em mắc bệnh ung thư.
- Ung thư não và hệ thần kinh.
- Lymphoma (ung thư hệ bạch huyết).
- Các loại khối u khác, chẳng hạn như khối u Wilms (ung thư thận), u nguyên bào thần kinh hoặc u xương (ung thư xương).
Trẻ em có thể sống sót sau bệnh ung thư?
Hầu hết các bệnh ung thư ở trẻ em đều có thể điều trị được. Khoảng 80% nếu trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư sẽ sống sót và phát triển khi trưởng thành. Tỷ lệ sống sót ngày càng tăng do những tiến bộ điều trị lớn trong những thập kỷ gần đây.
Tiến sĩ Watt cho biết trẻ em có nhiều khả năng đáp ứng tốt với hóa trị và xạ trị, dẫn đến tỷ lệ sống sót sau ung thư ở trẻ em cao hơn so với tỷ lệ sống sót của người lớn.