Nguyên nhân khiến biến chủng Delta lây lan nhanh ở TPHCM

Quang Huy Vân Sơn

(Dân trí) - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết biến chủng Delta có chu kỳ lây nhiễm ngắn, khiến người bệnh có nhiều triệu chứng làm tăng khả năng lây lan.

Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra các triệu chứng có nhiều điểm tương đồng so với bệnh nhân trong đợt cúm H1N1 năm 2009, nhưng nhẹ hơn - đó là những đánh giá của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí chiều 14/6.

Chu kỳ lây nhiễm ngắn, triệu chứng nhiều, lan nhanh

"Chúng ta nhìn lại những trường hợp ở quán bar Buddha trong đợt dịch trước, chỉ có một trường hợp lây nhiễm cho gia đình. Điều đó cho thấy chủng virus được ghi nhận trước đây chỉ lây lan khi tiếp xúc rất gần", Giám đốc HCDC nhận định.

Ông Dũng thông tin thêm, 2 trường hợp đầu tiên nhiễm chủng virus Delta tại TPHCM là các nhân viên làm việc chung công ty trên đường Pasteur, quận 3. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là không có ai làm cùng 2 bệnh nhân trên bị nhiễm SARS-CoV-2.

Nguyên nhân khiến biến chủng Delta lây lan nhanh ở TPHCM - 1

Việc giãn cách thêm 2 tuần sẽ giúp thành phố khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ hiện tượng F0 chưa rõ nguồn lây ngoài cộng đồng (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn). 

"Chúng tôi cảm thấy lạ vì ở Ấn Độ, số ca mắc cao, bệnh nhân tử vong nhiều mà biến chủng này ở Việt Nam lại không giống. Tuy nhiên, khi phát hiện chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, tốc độ lây lan và sự nguy hiểm của biến chủng Delta được bộc lộ rõ", Giám đốc HCDC chia sẻ.

Sau khi giải trình tự gen 7 ca bệnh đầu tiên của chuỗi lây nhiễm, HCDC phát hiện số người này nhiễm biến chủng Delta. Những ngày sau đó, hầu hết ca bệnh mới phát hiện là người trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm...

Qua khảo sát của ngành y tế thành phố, có những trường hợp xuất hiện triệu chứng bệnh sau 3 ngày tiếp xúc với ca mắc Covid-19. Thực tế tại các tỉnh tồn tại biến chủng này như Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy, chu kỳ lây nhiễm chỉ 3 ngày.

Trong số những người nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh, khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Còn đối với biến chủng Delta, 66% người nhiễm có triệu chứng chỉ sau 3 ngày. Chu kỳ lây nhiễm ngắn, triệu chứng nhiều, dẫn đến  sự lây lan sẽ nhanh chóng diễn ra.

"Có những trường hợp tại huyện Củ Chi, Hóc Môn khi ghi nhận ca mắc qua khám sàng lọc, ngành y đã truy vết ngay trong đêm, phát hiện hơn 20 người tiếp xúc mắc Covid-19. Điều tra dịch tễ ngược lại, những người trong gia đình họ đã có triệu chứng trước đó", ông Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh về sự nguy hiểm.

Ngoài ra, phát tán rộng của biến chủng Delta còn do đặc điểm nhẹ hơn các biến chủng khác, lơ lửng trong không khí thời gian dài.

Ông Nguyễn Trí Dũng cho hay để đánh giá được biến chủng này có nặng hơn, có khả năng tử vong hơn biến chủng cũ hay không ngành y cần thêm thời gian để đánh giá tác động của virus. Ngoài ra, việc virus để lại biến chứng, di chứng nặng hay không cũng tùy thuộc vào bệnh nền của người nhiễm.

Một số quốc gia phải kéo dài giãn cách xã hội nhiều tháng 

Nói về quãng thời gian 2 tuần giãn cách xã hội tới đây, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cho biết, ở thời điểm này không ai dám khẳng định sau 14 ngày nữa hoạt động phòng chống dịch sẽ đi tới thành công. Trên thực tế, một số quốc gia phải kéo dài giãn cách xã hội nhiều tháng.

Nguyên nhân khiến biến chủng Delta lây lan nhanh ở TPHCM - 2

Sau mỗi tuần giãn cách, thành phố sẽ đánh giá tình hình thực tế để có phương án điều chỉnh phù hợp (Ảnh: Phạm Nguyễn).

"Hiệu quả chống dịch của giãn cách xã hội phụ thuộc vào mầm bệnh ở mức độ nào trong cộng đồng. Trước khi giãn cách ở phạm vi hẹp hay đã lây lan rộng. Quan trọng hơn là ý thức của người dân trong việc tuân thủ giãn cách" - BS Nguyễn Trí Dũng chỉ rõ. 

Theo ông Dũng, nếu không tiếp tục giãn cách thành phố sẽ gia tăng tiếp xúc hội họp, ăn uống, vui chơi… khiến mầm bệnh bùng phát. Việc giãn cách thêm 2 tuần theo chỉ thị 15 là phù hợp, tạo cơ hội để thành phố cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Tuy nhiên, theo nhận định của người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật: "Thời gian 2 tuần chưa chắc đã kết thúc dịch. Có thể chỉ là thời điểm đánh giá tình hình dịch bệnh, từ đó đưa ra phương án phòng chống tiếp, tăng hoặc giảm cấp độ giãn cách xã hội cho phù hợp với tình hình".