Nguy kịch vì bị cọc nhồi bê tông ép vỡ nội tạng
(Dân trí) - Sơ ý trong quá trình lao động, bệnh nhân bị cọc nhồi bê tông trên công trình xây dựng ép vào vùng bụng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Sau chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương nặng, vỡ đa tạng, các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn cứu sống người bệnh.
Ngày 20/6, thông tin từ BS Mai Hóa, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận, kịp thời cứu sống một trường hợp bị tai nạn lao động chấn thương rất nặng.
Nạn nhân là anh Nguyễn Tành C. (33 tuổi) nhập viện trong tình trạng co gồng cứng toàn thân, đau bụng dữ dội. Khai thác bệnh sử ghi nhận, trong quá trình lao động, do sơ ý nên anh bị cọc nhồi bê tông ép vào bụng, gục tại chỗ.
Qua các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, siêu âm, chụp CT-Scanner, bác sĩ xác định, người bệnh bị viêm phúc mạc toàn thể do vỡ tạng rỗng sau chấn thương bụng kín.
Cùng với nỗ lực hồi sức tích cực, các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc mổ cấp cứu cho người bệnh. Khi mổ thám sát, bác sĩ ghi nhận ổ bụng người bệnh có nhiều dịch đục tập trung ở dưới gan ngay góc phải của đại tràng. Ngoài ra, quanh tá tràng bị phù mọng màu tím xanh, có nhiều dịch mật lẫn máu, tá tràng dập đứt đôi đoạn nối D2-D3, đầu tụy bị dập nát.
Các bác sĩ đã tiến hành rửa hút sạch dịch ổ bụng, cắt lọc vùng nội tạng bị dập nát, khâu kín đầu dưới D3 tá tràng, nối D2 tá tràng với hổng tràng, đặt dẫn lưu tá tràng D2 qua dạ dày ra da. Sau nhiều giờ khẩn trương trên bàn mổ, bác sĩ đã giúp người bệnh vượt qua được cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi, chăm sóc tích cực, tình trạng sức khỏe dần ổn định.
Phân tích chuyên môn của BS Mai Hóa chỉ ra, vỡ tá tràng là bệnh lý ít gặp trong chấn thương bụng kín với tỷ lệ khoảng 3% đến 5%. Và dù được chẩn đoán sớm nhưng tỷ lệ biến chứng sau mổ còn cao chiếm 46,6%, tỷ lệ tử vong chiếm 12,8%. Bệnh nhân Nguyễn Tành C. là trường hợp may mắn được chẩn đoán và điều trị kịp thời nên qua được nguy kịch.
Vân Sơn