Không có dấu hiệu đặc trưng, phần lớn trường hợp mắc bệnh bạch cầu cấp chỉ có những biểu hiện như chứng bệnh cảm cúm thông thường hoặc xanh xao, mệt mỏi. Đa số các trường hợp khi phát hiện bệnh cũng là lúc tế bào bạch cầu đã lan rộng trong tủy xương. Đặc thù “quái ác” của căn bệnh nói trên đã khiến cho nhiều gia đình “sốc nặng” vì chỉ trong thời gian ngắn con em họ đã nguy kịch do mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.
Y học thế giới chưa xác định được nguyên nhân của bệnh bạch cầu cấp
Tại khoa Huyết học trẻ em thuộc bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, nhiều trẻ em cùng mắc một chứng bệnh “bạch cầu cấp”. Loại bệnh nguy hiểm này cho đến nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân, Y văn thế giới mới chỉ nghi ngờ một số yếu tố như: Di truyền, bức xạ, hóa chất, siêu vi khuẩn có thể là yếu tố gây bệnh. Không thể phòng ngừa bệnh, quá trình điều trị kéo dài, tốn kém nhiều gia đình đã lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” nhưng tính mạng của con em họ vẫn tựa “nghìn cân treo sợi tóc”.
Gia đình ông Lê Văn Sáng (67 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) chỉ có một mình cậu bé Lê Văn Chương (11 tuổi) là đứa cháu đích tôn “nối dõi tông đường”. Nhưng số phận không may đã ập đến với đứa bé vô tội. Tháng 9 năm 2011 Chương đột nhiên ngã bệnh, những cơn sốt cao, kèm theo tình trạng đau nhức tứ chi, nôn ói liên tục hành hạ thân xác. Cháu được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2. Kết quả xét nghiệm bác sĩ kết luận bé bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy nên chuyển sang bệnh viện Truyền máu Huyết học điều trị. Sau 6 hai lần hóa trị liệu, gia đình phải đau đớn chấp nhận đưa cháu về vì Chương không đáp ứng với quá trình điều trị.
Phát bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, bé Thái Ngọc Cẩm (8 tuổi, ngụ tại Quảng Nam) đã rơi vào tình trạng nguy kịch do bác sĩ tại bệnh viện đại phương không phát hiện ra bệnh. Cháu được chuyển đến bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM trong tình trạng chướng bụng không tiêu, tiểu. Loại bệnh nguy hiểm này không chừa cả những bé mới chỉ được vài tháng tuổi, đó là trường hợp của cháu Nguyễn Anh Quân (SN: 2011) mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy từ khi mới lọt lòng mẹ được 8 tháng. Sau hai lần vào hóa chất, đầu của bé đã không còn một cọng tóc.
Căn bệnh nguy hiểm này vẫn chưa chưa có biện pháp phòng ngừa BS Phạm Hữu Luôn, Phó khoa Huyết học trẻ em, bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM cho biết: “Các tế bào bạch cầu được tạo ra trong tủy xương để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Thông thường, tế bào bạch cầu được sinh ra và tự điều chỉnh theo một trật tự nhất định. Bệnh bạch cầu cấp phá vỡ quy trình này, chúng làm cho các tế bào phân chia quá nhanh trước khi kịp trưởng thành. Đối với bệnh bạch cầu cấp (thể nguyên bào lympho) những tế bào bạch cầu chưa trưởng thành được sản sinh quá nhiều chứa đầy trong tủy xương và ngăn cản quá trình sản sinh tất cả các tế bào máu bình thường”.
Quá trình điều trị một bệnh nhân bạch cầu cấp trải qua các giai đoạn: 1 Điều trị bằng sử dụng thuốc hóa trị; 2 hóa trị liệu tấn công; 3 điều trị ghép tế bào gốc, thời gian điều trị thường kéo dài trên dưới 3 năm. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân đã không đáp ứng với thuốc nên không thể tiếp tục can thiệp. Chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp rất tốn kém, hai lần hóa trị ban đầu chi phí lên tới gần 300 triệu đồng, riêng giai đoạn ghép tế bào gốc tốn đến 20.000 USD.
Bác sĩ cho biết, khoảng 80% bệnh nhân đạt được lui bệnh sau đợt hóa trị đầu tiên, sau mỗi đợt điều trị bệnh nhân sẽ được chọc tủy để đánh giá lại tế bào ung thư. Nếu đáp ứng tốt, không còn dấu hiệu của bệnh bạch cầu sẽ được trải qua giai đoạn điều trị bổ sung để tiêu diệt các tế bào bạch cầu ác tính còn sót lại, giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.
Vân Sơn