Nguy cơ ung thư từ bếp than siêu nhẹ

Siêu bền, siêu nhẹ, giữ nhiệt tốt… bếp than sử dụng bông amiăng (bếp bông) đang được nhiều gia đình sử dụng. Nhưng, các bác sĩ cảnh báo, loại bếp này có khả năng gây ung thư rất cao.

Nguy cơ ung thư từ bếp than siêu nhẹ - 1

Những chiếc bếp than ngày đêm vô tư tỏa thứ khói độc hại
Trong thư gửi chúng tôi, ông Trần Hoàng Tín, số 5 Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho hay: “Nhà tôi ở ngay trung tâm Hà Nội, một cái ngõ chật hẹp gồm 10 hộ dân mà có đến 12 chiếc bếp than làm bằng bông amiăng ngày đêm phả chất độc. Hiện tất cả người dân trong ngõ này đang khò khè, khó thở và có vấn đề về đường hô hấp”. Ông Tín cho biết, đã nhiều lần cảnh báo về sự nguy hiểm của bếp bông song những hộ dân này vẫn bỏ ngoài tai.

 

Độc hại  

 

Nhìn bề ngoài, loại bếp bông được quảng cáo là “siêu nhẹ, siêu bền” cũng giống như các loại bếp than tổ ong khác. Nhưng lớp giữa của thân bếp được chèn bằng bông amiăng, lớp trong cùng là vữa thông thường. Qua một thời gian sử dụng, lớp vữa có thể hỏng để lộ lớp bông khoáng amiăng thủy tinh. Chính vì thế, loại bếp than này còn được gọi là "bếp bông".

 

Theo giáo sư Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam): “Các nghiên cứu đã kết luận amiăng là chất độc hại, gây ung thư nên một số nước đã cấm dùng. Amiăng được sử dụng trong lớp bảo ôn của bếp, khi nhiệt độ cao có thể thoát ra ngoài. Lúc đó, các hạt bụi hình que cắm sâu vào niêm mạc cơ quan hô hấp gây nên một loạt bệnh về hô hấp, tiêu hóa như: viêm phế quản mạn tính, làm hạn chế không khí do hẹp đường thở, xơ hóa ống tiểu phế quản, ung thư đường hô hấp, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá...”.

 

Bác sĩ Đỗ Thanh Tùng, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: “Các kết quả chụp X quang biểu hiện thành phế quản bị dày lên chính là do bụi tích tụ lâu năm. Hiện tượng này thường thấy ở bệnh nhân làm việc trong hầm lò hoặc những người tráng bánh cuốn bằng bếp than lâu ngày”.

 

Khó cấm triệt để

 

Trong lá đơn gửi các cơ quan thông tin đại chúng, ông Tín mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm soát việc lưu hành loại bếp có sử dụng bông khoáng bảo ôn amiăng. “Nếu có thể, nên ra một lệnh cấm triệt để giống như cấm pháo”, ông Tín nói.

 

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Hải, Chánh văn phòng Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hiện nay, không thể cấm triệt để sử dụng bếp than. Nhưng các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát việc sản xuất các loại bếp có sử dụng bông khoáng amiăng, đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất thay thế bông amiăng bằng loại vật liệu giữ nhiệt khác không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

 

Ông Vũ Văn Thọ, Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam gợi ý, các cơ sở sản xuất hoàn toàn có thể sử dụng bông thủy tinh làm lớp giữ nhiệt cho bếp, vì loại bông này có khả năng bảo ôn không kém gì bông amiăng. Tuy giá có cao hơn bông amiăng nhưng loại bông này không độc hại.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chưa có tiêu chuẩn riêng cho bếp than tổ ong.

 

Ông Trần Văn Học, Trưởng ban Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng (Bộ KH&CN) lý giải: Không phải bất cứ sản phẩm nào cũng phải gắn với nó một tiêu chuẩn riêng. Sản phẩm bếp than mới chỉ sản xuất ở quy mô thủ công. Chỉ khi một sản phẩm được sản xuất hàng loạt thì mới đặt vấn đề xây dựng tiêu chuẩn riêng. “Tuy vậy, vẫn có thể xử phạt các cơ sở sản xuất bếp than có ngưỡng chất thải nguy hại vượt quá tiêu chuẩn theo quy định về chất lượng sản phẩm”, ông Học khẳng định.

 

Theo Bích Ngọc

Đất Việt