Nguy cơ ung thư phổi vì hút thuốc lá thụ động
Không hề hút thuốc những vẫn bị ung thư phổi. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc hít khói thuốc do người nhà hút trong 1 thời gian dài.
38 tuổi, một mình nuôi 2 con nhỏ, chị T chết lặng khi hay tin mình mắc ung thư phổi. Đáng nói, trước đó, chị không hề có biểu hiện gì, chỉ khi ho kéo dài, thở khó, chị tới bệnh viện thăm khám mới biết bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Các bác sĩ cho biết, có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng khả năng cao là do chị hít khói thuốc do người nhà hút thuốc trong một thời gian dài, tức là hút thuốc thụ động.
Chị T chia sẻ: "Tưởng là cảm cúm như bình thường thôi nên đi khám sức khoẻ. Trong nhà thì có bố chồng hút thuốc nhưng nghĩ là không ảnh hưởng đến mình mấy, vì hút thì khói nó bay đi".
Tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương, trung bình 130 trường hợp điều trị nội trú thì khoảng 20 - 25% là do hút thuốc thụ động, một con số không hề nhỏ. Phần lớn vào viện khi tình trạng đã muộn.
"Khá nhiều bệnh nhân, đặc biệt là đối tượng nữ giới bị ung thư phổi. Chứng tỏ môi trường gia đình có chồng hoặc những người thân trong gia đình có thói quen hút thuốc lá" - Bác sĩ Đặng Văn Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương nói.
Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 53,3% người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn đang bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình; 36,8% bị phơi nhiễm trong những tòa nhà hay tại nơi làm việc.
Các chuyên gia cho biết, khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hại hơn gấp 26 lần so với khói thuốc do người hút hít vào, vì vậy, hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây ung thư. Dù có quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng nhưng khói thuốc lá vẫn hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Bác sĩ Lê Tú Linh, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh: "Ngoài mắc ung thư phổi, người bệnh có thể mắc nhiều các bệnh lý về tim mạch do khói thuốc. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, khi phế quản vẫn còn nhỏ, các con dễ mắc bệnh viêm nhiễm ở phổi, hen phế quản.
Còn với người già, yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng 20 – 30 lần nếu tiếp xúc với môi trường khói thuốc thường xuyên. Đối với phụ nữ mang thai, khi hút thuốc lá thụ động, cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi, gây sinh non hay những biến chứng sức khỏe không tốt của cả mẹ và bé".
Mỗi năm, Việt Nam có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc. Theo dự tính số tử vong vì thuốc lá vào năm 2030 sẽ có thể lên đến 70 nghìn người nếu như không có các giải pháp can thiệp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng cũng như sự thay đổi trong ý thức, hành vi của mỗi người dân.