Nguy cơ ung thư phổi tăng cao khi thuộc một trong những nhóm này
(Dân trí) - Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và phụ nữ trên khắp thế giới.
Khoảng 85% các trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc. Hút cần sa, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với chất độc (ví dụ amiăng, radon) và khói thuốc thụ động cũng có thể dẫn đến ung thư phổi.
Có hai loại ung thư phổi chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Khi đã xác định được loại ung thư phổi, các bác sĩ sẽ sử dụng các xét nghiệm hình ảnh và kết quả sinh thiết để xác định mức độ tiến triển của ung thư và nếu nó đã lan rộng.
Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, xét nghiệm tầm soát ung thư phổi tốt nhất được khuyến cáo là chụp cắt lớp vi tính liều thấp. Trong quá trình chụp, bệnh nhân nằm trên bàn chụp và máy CT sử dụng liều bức xạ thấp tạo ra hình ảnh chi tiết về phổi của bệnh nhân. Quá trình quét chỉ mất vài phút và không gây đau đớn
Ai nên tầm soát ung thư phổi?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những trường hợp dưới đây thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi, nên thực hiện tầm soát định kỳ:
- Có tiền sử hút thuốc 20 năm trở lên.
- Đang hút thuốc hoặc đã bỏ trong vòng 15 năm.
- Người trong độ tuổi từ 50 đến 80 tuổi.
- Người hút thuốc lá trung bình 1 gói/ngày/năm.
Cần làm gì khi phát hiện ung thư phổi?
Phát hiện sớm ung thư phổi và đưa ra phương án điều trị kịp thời giúp bệnh nhân tăng thời gian sống.
Điều quan trọng nhất phải biết được phương pháp điều trị ung thư phổi cần thiết từ các bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân cần được chăm sóc về mọi mặt khi điều trị: dinh dưỡng, kiểm soát cơn đau, tác dụng phụ của các phương án điều trị (nôn, chán ăn, nổi mẩn ngứa….)
Bệnh nhân cần thực hiện các bước giữ gìn sức khỏe. Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi hoặc tái phát:
- Tránh xa khói thuốc lá, nếu hút thuốc hãy cố gắng bỏ và tránh xa khói thuốc lá của người khác.
- Hạn chế tối đa các thức uống có cồn.
- Bảo vệ làn da khỏi tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời.
- Ăn nhiều trái cây và rau củ.
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Tăng cường tập thể dục thể thao.
Một số người cảm thấy mặc cảm, hay xuống tinh thần khi mắc bệnh ung thư phổi. Vì thế bệnh nhân nên trao đổi trải nghiệm và cảm xúc của mình với các nhân viên y tế hoặc với các bệnh nhân khác, hay có thể lắng nghe câu chuyện của những bệnh nhân đó.