Nguy cơ ung thư ở trẻ do thuốc diệt côn trùng trong nhà
(Dân trí) - Phân tích 16 nghiên cứu được tiến hành từ những năm 1990 thấy rằng những trẻ phơi nhiễm với thuốc diệt côn trùng trong nhà bị tăng nguy cơ ung thư máu. Cũng có mối liên quan yếu hơn giữa phơi nhiễm với thuốc diệt cỏ và nguy cơ bệnh bạch cầu.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics bản điện tử ngày 14/9/2015, không chứng minh rằng các chất diệt côn trùng trực tiếp góp phần gây ung thư. Và nếu có thì nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.
"Chung tôi chưa biết mức độ phơi nhiễm bao nhiêu thì gây bệnh, hoặc liệu có thời gian cụ thể nào không? Ví dụ như trong khi mang thai? hay là trước khi mang thai? Những điều này còn cần nghiên cứu thêm”, Chensheng (Alex) Lu, phó giáo sư sinh học môi trường tại trường Y tế công cộng Harvard giải thích.
Mặc dù vậy, PGS Lu cho rằng cần hành động ngay bây giờ, bằng cách hạn chế sự tiếp xúc của trẻ em với các chất diệt côn trùng - nhất là các chất diệt côn trùng trong nhà mà nghiên cứu đã thấy có liên quan với bệnh bạch cầu và bệnh lympho.
Ung thư trẻ em rất may là khá ít gặp: Ở Mỹ, dự kiến trong năm 2015 chỉ có chưa đến 10.400 trẻ dưới 15 tuổi bị ung thư. Bệnh bạch cầu và bệnh lympho là hai loại ung thư máu nằm trong số những ung thư hay gặp nhất ở trẻ em.
Nhưng không như bệnh ung thư ở người lớn, thường là kết quả của những yếu tố lối sống và môi trường sau hàng chục năm, phần lớn ung thư ở trẻ em là do ngẫu nhiên.
Đã có nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên quan giữa thuốc diệt côn trùng và một số ung thư ở trẻ em. Thêm nữa, cũng là hợp lý về mặt sinh học khi cho rằng các hóa chất có thể góp phần gây ung thư ở một số trẻ nhạy cảm.
Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp kết quả từ 16 nghiên cứu quốc tế được tiến hành từ năm 1993 - 2013. Tất cả những nghiên cứu này đã so sánh trẻ bị ung thư với một nhóm trẻ khỏe mạnh, và đánh giá về tiền sử phơi nhiễm thuốc diệt côn trùng thông qua phỏng vấn cha mẹ trẻ.
Nhìn chung, trẻ tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng trong nhà dễ bị bệnh bạch cầu và bệnh lympho hơn 43 – 47%. Thuốc diệt côn trùng ngoài nhà không liên quan với ung thư.
Đồng thời, trẻ phơi nhiễm với thuốc diệt cỏ có nguy cơ bệnh bạch cầu cao hơn 26%.
Những con số này có vẻ đáng báo động, nhưng các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng không nên quá hoảng sợ. "Điều này có nghĩa là thay vì có 1/10.000 trẻ bị bệnh bạch cầu, thì bạn sẽ có 1,5/10.000 trẻ”.
Đây là nguy cơ rất nhỏ, song là yếu tố nguy cơ có thể tránh được.
Nếu côn trùng trong nhà là vấn đề, thì vẫn có những giải pháp “không hóa chất” để giải quyết, vì dụ như loại bỏ những nguồn thức ăn của côn trùng và sử dụng bả hoặc bẫy.
Nhưng trẻ em cũng có thể phơi nhiễm với thuốc diệt côn trùng ở ngoài nhà – như ở trường học, công viên hoặc sân chơi, vì thế cũng nên hạn chế sử dụng thuốc diệt côn trùng ở những nơi này.
Cẩm Tú
Theo MSN