1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguy cơ mắc hàng loạt bệnh vì nước hồ bơi

(Dân trí) - Hiện tượng các bể bơi không tuân thủ các quy định an toàn và vệ sinh nước hằng ngày, trong khi mật độ người tắm đông, đã khiến tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh mắt, hô hấp, bệnh ngoài da đến gặp bác sĩ tăng lên vào mùa hè.

Viêm kết giác mạc

BS Hoàng Cương (Viện Mắt Trung ương) cho biết, năm nào cứ vào mùa hè số bệnh nhân đến khám vì viêm kết mạc có liên quan đến bơi lội lại tăng lên.

“Viêm kết mạc là căn bệnh gặp phổ biến nhất khi bơi lội, nhất là khi hồ bơi quá tải, tình trạng tiệt trùng nước hồ bơi không đạt vệ sinh. Sau khi đi bơi về nếu xuất hiện mắt đỏ, ra gỉ nhiều, ngứa, chảy nước mắt… đây là những dấu hiệu đầu tiên của viêm kết mạc và người bệnh nên đi khám ngay lập tức”, BS Cương cảnh báo.

Ngoài bệnh viêm kết mạc, việc bơi lội trong môi trường nước không đảm bảo cũng làm tăng cơ hội lây nhiễm của một loại vi khuẩn có tên là chalamydia cùng họ với vi khuẩn gây ra bệnh mắt hột. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt. Khi mắc bệnh viêm kết mạc bể bơi việc điều trị phải tuân thủ kiên trì theo chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc.

Còn nếu mắt bị kích ứng, khô mắt, xót... đó là do nươc hồ bơi chưa được xử lý kỹ. Tình trạng này thường gặp ở các hồ bơi trong nhà, do kín cộng với khí clo trong nước hồ bơi có thể là tác nhân gây tình trạng này. Tình trạng này gặp rất phổ biến và xử lý khá đơn giản, mùa hè nên chọn bể bơi ngoài trời và rửa mắt nước muối sau khi bơi.

Để phòng các bệnh mắt nói chung, ngoài việc lựa chọn bể bơi đảm bảo an toàn, khi đi bơi, mọi người luôn nhớ đeo kính bảo vệ mắt khi bơi và thực hiện khâu vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý.

Lựa chọn bể bơi an toàn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh từ bể bơi
Lựa chọn bể bơi an toàn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh từ bể bơi

Viêm mũi dị ứng, viêm xoang

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, cứ đến mùa hè, số bệnh nhân đến khám vì viêm mũi dị ứng, viêm đường hô hấp do nước hồ bơi lại gia tăng.

Nguyên nhân của sự gia tăng số người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang khi đi bơi là do bản thân những người bị viêm mũi dị ứng rất “nhạy cảm” với các dị nguyên. Nhiều người rất dễ bị lên kịch phát bởi những dị nguyên như phấn hoa, khói bụi, lông thú vật, mùi lạ, hoá chất tẩy rửa…

Trong khi đó, ở các bể bơi Việt Nam luôn sử dụng một lượng chất khử trùng lớn. Nếu bị dị ứng với các hoá chất tẩy rửa, khi đi bơi, bệnh nhân có tiền sử viêm mũi, viêm xoang có thể tái phát bệnh rất nhanh.

Vì vậy, sau khi đi bơi, nếu thấy đường mũi khó thở kèm theo các biểu hiện khịt, khạc, xì ra nước mũi trong, mũi màu vàng xanh, mùi hôi tanh, nước mũi chảy xuống họng và kèm theo ho thì đó là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, viêm xoang bị tái phát. Lúc này, nên đưa bệnh nhân hãy đến bác sỹ để được tư vấn dùng thuốc.

Một nguyên nhân khác gây viêm đường hô hấp là do ngâm nước hồ bơi quá lâu. “Trẻ nhỏ luôn ham chơi, ham nghịch nước. Hầu như trẻ nào viêm đường hô hấp do nước hồ bơi khi đến khám bác sĩ hỏi thì cha mẹ đều “thú nhận” là do bé ngâm nước bể bơi quá lâu. Có bé ngâm đến 2 - 3 tiếng trong bể. Vì thế, mùa hè không nên cho trẻ đi bơi sáng sớm hoặc tối muộn vì thời điểm đó nước hồ bơi lạnh. Trẻ nhỏ cũng nên tắm bể bơi trong nhà để tránh gió và vẫn khuyến khích tắm bể bơi nước ấm để phòng nguy cơ cảm lạnh gây các bệnh về đường hô hấp.

Khô tóc, sạm da

Đây là vấn đề gặp rất phổ biến ở chị em phụ nữ bởi họ nhận thấy rõ ràng sự xuống sắc của da, tóc khi đi bơi.

Nguyên nhân la do nước hồ bơi có chứa clo tiệt trùng và hóa chất này là tác nhân gây khô tóc, sạm da.

Do vậy, cần chọn bể bơi có chất lượng nước đảm bảo. Khi tắm hồ bơi lên, phải tắm lại thật sạch bằng sữa tắm và bôi kem dưỡng ẩm nếu không da sẽ khô, mốc thếch. Tóc cũng cần gội, xả, sấy khô và bôi dưỡng để tránh tính trạng sờ vào tóc thấy cứng như... cọng rơm.

Ngoài ra tắm hồ bơi khi thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân gây cháy da. Vì thế cần lưu ý khi xuống bơi vẫn duy trì bôi kem chống nắng không trôi dưới nước để phòng nguy cơ này.

Đặc biệt với những người có cơ địa dị ứng, hay bị viêm da, viêm đầu ngón tay chân thì không nên đi bơi bởi khi da tiếp xúc với hóa chất này sẽ gây viêm. Vì thế, khi đi bơi về nếu xuất hiện các nốt mun nước, ngứa, mẩn đỏ thì không nên đi bơi và đi khám để được điều trị, hạn chế gãi ngứa gây trầy xước da, dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Hồng Hải