Hong Kong:

Nguy cơ khan hiếm thuốc ung thư vì khách đại lục “vơ vét”

(Dân trí) - Những lo ngại về thuốc chữa bệnh ở Trung Quốc đại lục đang dẫn đến tình trạng buôn bán bất hợp pháp các thuốc chống ung thư ở Hồng Kông, đặt ra viễn cảnh tương tự như cuộc khủng hoảng đại lục vét sạch sữa trong các siêu thị tại Hồng Kông mới đây.

Khách đại lục đổ bộ, thị trường thuốc Hồng Kông rối loạn
 

Nhiều nhà thuốc tại Hồng Kông đang bán các thuốc kê đơn cho khách du lịch Trung Quốc, những người đã mất niềm tin vào hệ thống y tế trong nước và muốn né tránh giá cao, một ví dụ nữa cho thấy nhu cầu từ Trung Quốc có thể tác động đến những thị trường lớn hơn như thế nào.

 

Khách hàng tại một nhà thuốc cho biết anh đã đi từ Quảng Châu sang Hồng Kông để mua thuốc điều trị ung thư vú cho vợ.

 

“Nếu mua ở đây, tôi sẽ tiết kiệm được hơn 8.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng) cho một chai thuốc Herceptin, tức là 24.000NDT cho chỗ thuốc này ở đại lục”.

 

Chui Chun-ming, chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện của Hồng Kông cho biết việc khách hàng Trung Quốc mua thuốc không có đơn của bác sĩ là rất phổ biến. 90% số thuốc ung thư bán ở các nhà thuốc tại Hồng Kông rơi vào tay người mua từ đại lục vì đa số người dân Hồng Kông nhận thuốc trực tiếp từ bệnh viện hoặc từ bác sĩ riêng.

 

Với việc các công ty thuốc đặt ra hạn ngạch cung cấp cho từng nước dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm số dân, thì Hồng Kông có thể rơi vào tình trạng khan hiếm thuốc nếu nhu cầu từ ngoài biên giới tiếp tục tăng lên.

 

Tình trạng tương tự cũng đã từng xảy ra khi các bậc phụ huynh Trung Quốc mất niềm tin vào các nhãn hiệu sữa nội sau vụ khủng hoảng sữa nhiễm melanin tồi tệ năm 2008, khiến 6 trẻ thiệt mạng và 300.000 em khác bị bệnh.

 

Sự lo ngại đã dẫn đến làn sóng khách hàng đổ xô vào sữa công thức, vét sạch sữa trong các siêu thị trên khắp thế giới – Hồng Kông đã phải ra quy định cấm khách du lịch mang quá 1,8kg sữa công thức.

 

Nhu cầu từ Trung Quốc đại lục đã không ít lần gây sức ép lên hệ thống y tế Hồng Kông. Các bệnh viện đã phải cấm những phụ nữ từ Trung Quốc không có chồng là người Hồng Kông đến sinh con tại đây để đối phó với tình trạng “du lịch đẻ con”, do các bà mẹ muốn có chăm sóc y tế tốt hơn và quyền công dân cho đứa con của mình.

 

Ngoài ra, độ an toàn của các thuốc sản xuất tại Trung Quốc cũng là một vấn đề. Những vụ bê bối gần đây bao gồm vỏ thuốc làm bằng nguyên liệu độc hại từ da phế phẩm và việc khám phá đường dây buôn bán thuốc giả.

 

Năm 2008, một loại thuốc chống đông máu là heparin, sản xuất tại Trung Quốc, bị phát hiện nhiễm khuẩn và liên quan tới cái chết của hàng chục người.

 

Cẩm Tú

Theo channelnewsasia