Người Việt hút thuốc 49.000 tỷ đồng/năm, chữa bệnh liên quan tốn 108.000 tỷ
(Dân trí) - Trong một năm, người Việt chi 49.000 tỷ đồng để tiêu thụ thuốc lá, nhưng tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá lên đến 108.000 tỷ đồng.
Ngày 17/10, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024.
104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) chia sẻ, tại Việt Nam, gánh nặng về sức khỏe do sử dụng thuốc lá rất nặng nề.
Cụ thể, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá - như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi - là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Bệnh viện K (Hà Nội), tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên đến 96,8%.
Sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm, còn hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng, Việt Nam có 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (theo cập nhật 2021 của WHO).
Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Mỗi năm, người Việt chi khoảng 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá (số liệu năm 2020). Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá ở nước ta lên đến 108.000 tỷ đồng/năm.
Trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành (trên 15 tuổi) giảm trung bình 0,5%/năm, còn tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá đã giảm đáng kể tại hầu hết các khu vực có quy định cấm.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023).
Điều này cho thấy, những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ, bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử của giới trẻ.
Do đó, về chính sách, bà Hương cho biết trong năm 2024 và 2025, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, để đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Cơ quan chức năng cũng đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; tiếp tục xây dựng môi trường không khói thuốc; tăng cường hoạt động thanh kiểm tra và áp dụng công nghệ trong việc giám sát, theo dõi những hành vi vi phạm…
Có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử để sử dụng ma túy
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, những báo cáo kết quả giám sát từ các Ủy ban của Quốc hội và nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Hiện nay, có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Cụ thể, trong quý I của năm, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ và 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trong đó, có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, các báo cáo cũng chỉ ra những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường.
Có thể kể đến như: tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; gây cháy nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi; tạo gánh nặng kinh tế;
Bên cạnh đó, thuốc lá dễ bị lợi dụng để tẩm ướp, pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội, cũng như gia tăng ô nhiễm môi trường...
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh, với ưu thế thông tin nhanh, phổ cập rộng, cách thức chuyển tải nội dung phong phú và hấp dẫn, có tác động lớn đến xã hội, báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhiều năm qua.
Việc các cơ quan báo chí cùng chung tay đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất cần thiết trong thời gian này.